Đường dài độ cây số rưỡi, thông qua mấy ngã tư sôi động bậc nhất trung tâm thành phố vinh, mà mỗi nơi như khởi đầu cho một cảm quan khác biệt. Đường dường như độc nhất thành Vinh về những “đoạn trường” phân khúc, và đặc biệt bởi những câu chuyện lịch sử dày dặn bao quanh…
|
Đường Thái Phiên. |
Năm 1901, sách “Tổng quát An Nam” đã viết: “Vinh cách Huế 400 cây số và cách Hà Nội 296 cây số, có 40 người Âu, 161 người Hoa, 12.000 người Việt, là tỉnh lỵ Nghệ An. Cách đây 2 năm, Vinh đã trở thành một thành phố thực sự có những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có nhiều hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt Nam và những hiệu làm nghề thủ công, như đồ sắt, đồ thêu, làm lọng, làm đồ mã, buôn gỗ nứa. Khu vực người Hoa kiều ở có nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau…”. Khu vực người Hoa cư trú đông đúc ấy, bấy giờ được gọi là phố Khách, chủ yếu cư trú dọc theo tuyến buôn bán từ Cửa Tiền xuống chợ Vinh. Phía cánh tả chợ Vinh, đường Thái Phiên hiện diện như một nét mày đầy thân phận. Trong ký ức người già, đường Thái Phiên vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dẫu nằm cạnh bên những tấp nập bán buôn nhưng không có vẻ sầm uất của kiến trúc nhà dân, đời sống thợ thuyền vẫn nặng bầu không khí phố xá hơn là nhịp sinh hoạt tiểu thương. Đường Thái Phiên bấy giờ chủ yếu là nơi sinh sống của cư dân lao động phổ thông, phục vụ cho các cửa hàng, cửa hiệu và dịch vụ bán mua sôi động của chợ.
Thời kỳ bao cấp, các HTX hiện diện thành những mô hình làm ăn tập thể quy củ, thì HTX Mộc Thống Nhất trở thành điểm nhấn cuối con đường Thái Phiên ấy. Tôi hoàn toàn thất bại trong việc cố công tìm các nguồn tài liệu ghi chép về không gian phố chợ bấy giờ. May thay, cái văn hóa vỉa hè giúp tôi gặp được những nhân vật cao niên đáng kính. Trong ký ức của họ, lúc bấy giờ các phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên bầu không khí rộn rã. Bấy giờ, HTX Mộc Thống Nhất chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, phục vụ nhu cầu thiết thực của đời sống nhân dân. Mọi bán mua đều thông qua tem phiếu, và quãng đường Thái Phiên trước cổng HTX bốn mùa luôn nhộn nhịp cảnh người vào ra, xếp hàng chờ đến lượt.
Trước cổng HTX Mộc Thống Nhất có cây me cổ thụ, tán rộng um tùm tỏa rợp một quãng đường mùa hạ. Dưới gốc cây là quán nước ông Thảo, chuyên bán miếng dán mụt nổi tiếng một thời. Nam thanh, nữ tú, hay các cụ già hay chuyện vẫn thường ngồi đó, lúc thì tĩnh tâm vài ván cờ tướng qua ngày, lúc lại bỏm bẻm miếng trầu, nhâm nhi bát nước chè xanh mà chuyện Đông, chuyện Tây đến khi vãn quán. Sau này, quán dẹp đi do nhu cầu khách giảm, dẹp đến vài chục năm, tưởng đã thôi hẳn, mấy năm lại đây đột nhiên “khai trương” lại. Vẫn quán cóc tạm bợ năm nào, vẫn những hộp nhựa lóc xóc miếng kẹo lạc và mấy chiếc ghế gỗ xiêu vẹo, chủ quán là ông Thức - em trai ông Thảo. Mỗi sáng, mỗi chiều đi ngang qua, vẫn thấy quán tiếng lao xao cười nói, khách hàng chủ yếu cũng là công nhân, lao động phổ thông cho các kho hàng, điểm tập kết bốc dỡ của giới bốc vác, xích lô, xe lai bến chợ.
Người ta vẫn quan niệm, đi trên đường là cách cảm nhận rõ nhất hồn cốt cuộc sống phố phường. Rằng những nhộn nhịp xô bồ, hay bình yên tĩnh lặng, hoặc u buồn vắng vẻ… đều hiện hữu trên sắc diện đường phố. Bắt đầu từ điểm cắt ngang với đường Đinh Công Tráng, rồi băng qua ngã tư Ngư Hải, chạy chút nữa lại qua hẳn ngã tư Trần Phú, rồi qua những hàng quán chất chồng đủ mặt hàng để bắt gặp ngã tư Ngô Đức Kế, đến quãng này thì phố dịu lại với những sắc màu ẩm thực dân dã để ùa ra điểm giao cắt với đường Bến Đền, và cuối cùng là dừng lại tại điểm nối đường Cao Xuân Huy. Đường Thái Phiên băng qua địa phận 3 phường: Quang Trung, Hồng Sơn và Vinh Tân, ngần ấy điểm gặp gỡ đã làm nên một con đường đặc biệt và nhiều sắc thái cảm xúc của Thành Vinh.
Mỗi ngã tư như là điểm nối khởi đầu cho những cảm quan mới lạ. Đầu đường êm ả với mấy quán cà phê cóc nồng nàn; sầm uất giao thương nguyên liệu may mặc, shop thời trang, điểm bán lồng chim, đồ dùng câu cá…; lại thêm những hàng bánh bao rán, quán chè Thái, nồi bún Huế thơm nức mũi…; ngang qua chỗ Bến Đền, không khí mưu sinh dường như có phần át đi những tấp nập ngoài kia. Bên trái đường là không gian kiến trúc nhà dân mặt phố khá sầm uất, có những nhà bề thế 4, 5 tầng, còn bên phải, vẫn âm thầm với các xưởng cơ khí, xưởng mộc mỹ nghệ, cả điểm tiêu thụ phế liệu mà phía trước luôn ngổn ngang những chiếc xích lô chằng chịt dây cao su buộc hàng đang trong thế sẵn sàng vận chuyển. Phố nặng vẻ cần lao một thuở, cũng bởi dãy tập thể của HTX Mộc Thống Nhất nằm ngay ven đường. HTX đã giải thể từ lâu, nhưng không khí ấy vẫn vương vấn đến nay, khi những căn phòng tập thể xuống cấp vẫn y nguyên lối kiến trúc những năm 1980 của thế kỷ trước…
Tuy đường không nổi tiếng về sinh thái, vẫn thích mắt bởi mật độ cây xanh phủ bóng trên đường. Cây to có, nhỏ có và đủ loài, che chở cho cư dân phố này qua những mùa hạ gió Lào bỏng rát. Còn nếu trời mưa, đứng trên tầm cao ngắm phố cũng là nét thú vị. Hàng đoàn xe tất bật cuốn đi trong cuộc mưu sinh thường nhật, tiếng lao xao trả giá dưới cửa hàng, rướn người ra một chút, là ôm trọn cả không gian khoáng đạt, nở hậu của con đường, thấy thênh thang trong mắt mình tình thương mến mới mẻ dành cho phố!
Thái Phiên (1882 - 1916) quê tại làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là khối Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Thời trẻ, ông đi tu tại chùa Cổ Lâm (miền núi Quảng Nam). Một thời gian sau, ông vào Bình Định làm nghề dạy học và hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa chống Pháp. Năm 1904, ông tham gia phong trào Đông Du, năm 1908 ông tham gia Duy Tân cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Từ năm 1913, ông là một trong những người lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội miền Nam Trung Kỳ.
Đầu năm 1916, ông và Trần Cao Vân đã gặp Vua Duy Tân thống nhất kế hoạch khởi nghĩa lật đổ Pháp. Kế hoạch bị lộ, cuộc khởi nghĩa không thành, Thái Phiên, Trần Cao Vân và Vua Duy Tân bị Pháp bắt trên đường lên căn cứ vào rạng sáng ngày 4/5/1916. Ngày 17/5/1916, cùng với 2 chiến hữu của mình là Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề và một số người khác, ông bị thực dân Pháp và Nam triều xử chém.
Hiện nay, tên của ông được đặt cho nhiều con đường và trường học tại các thành phố trên cả nước. |
Phương Chi-Baonghean.vn
;