Xét nghiệm bằng máy tự động ở Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. |
Thời gian qua, các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã có nhiều thay đổi, không chỉ về diện mạo mà còn chú trọng đầu tư thêm nhiều trang thiết bị khám, chữa bệnh, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo Sở Y tế, có được những bước chuyển nêu trên, đó là nhờ việc điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh và được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 72/2012, ngày 3/10/2012. Nói về tính tích cực của việc tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo Nghị quyết 56 và Quyết định 72, ông Phan Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cho biết: Nguồn kinh phí tăng thêm từ nguồn tăng viện phí, bệnh viện đã mua máy xét nghiệm tự động, cải tiến quy trình và bố trí các khu vực khám, chẩn đoán cận lâm sàn liên hoàn với nhau. Nhờ đó đã giảm áp lực cho nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Nếu như trước đây, bệnh nhân đến khám vào buổi sáng thì chiều cùng ngày mới có kết quả, nay cơ bản được giải quyết trong 1 buổi và các thủ tục hành chính đều được giải quyết trong ngày. Điều này giảm thời gian chờ đợi, giảm khó khăn về mặt tài chính cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, từ nguồn kinh phí tăng thêm, bệnh viện đã bổ sung thêm 4 bàn khám chuyên khoa, nâng từ 5 đến 9 bàn khám, đáp ứng nhu cầu khám bệnh của nhân dân, mua thêm máy siêu âm màu 4D, máy điện não đồ, máy đo mật độ xương, máy gây mê kèm thở, máy sinh hiển vi phẫu thuật... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã triển khai một số kỹ thuật mới như: phẩu thuật nội soi các loại về tiêu hóa, tiết niệu, gan, mật, tai, mũi, họng; chụp citi; siêu âm mạch; máy xét nghiệm miễn dịch... Đồng thời, quan tâm hơn công tác xử lý chất thải bệnh viện và công tác vệ sinh môi trường, tạo môi trường trong và ngoài bệnh viện tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết khẳng định: Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh đã góp phần tăng thêm 15% kinh phí cho bệnh viện. Từ đó, bệnh viện có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Một số dịch vụ trước đây, người bệnh phải lên tuyến trên, nhưng nay đã được triển khai tại bệnh viện. Giám đốc Sở Y tế Bùi Đình Long cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh và Quyết định 72 của UBND tỉnh, các cơ sở y tế có điều kiện hơn trong phục vụ bệnh nhân. Đặc biệt, tại Bệnh viện Ung Bướu đã triển khai thành công ca ghép tế bào gốc tự thân từ máu ngoại vi; hay ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Ngoài ra, cũng nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sỹ, tạo động lực để nhân viên y tế gắn bó và có trách nhiệm hơn với công việc (tùy mỗi bệnh viện mà khoản thu nhập được tăng thêm khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng – PV); có thêm nguồn để hỗ trợ phí đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề cho y, bác sỹ, góp phần giảm tối đa những tai biến xảy ra trong quá trình điều trị. Lưu lượng bệnh nhân đến trạm y tế cấp xã ngày càng tăng. Từ năm 2012 đến nay, bình quân hàng năm, tại tuyến y tế xã có khoảng trên 2 triệu lượt người được thực hiện khám, điều trị, góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Mặt khác, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người bệnh tỏ ra hài lòng đối với dịch vụ từ các bệnh viện. Các bệnh nhân được chăm sóc với chất lượng thuốc và thái độ phục vụ chu đáo hơn. Nhiều bệnh viện đã đặt thêm nhiều giường để bệnh nhân hạn chế cảnh nằm 2 người, 3 người/giường như trước đây.
Cần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bệnh
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, thông qua chuyến công tác cùng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tiến hành khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã ghi nhận được một số bất cập đang đặt ra. Cụ thể, có dịch vụ thực tiễn có triển khai, nhưng không nằm trong quy định của tỉnh; có dịch vụ quy định giá thấp hơn so với thực tế thực hiện; có giá dịch vụ đang áp dụng chung cho cả người lớn và trẻ em. Đơn cử như tại một bệnh viện có bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán là vỡ nang Degrap trong buồn trứng, nhưng do không nằm trong danh mục quy định của tỉnh, cho nên bệnh viện đã làm hồ sơ bệnh án chuyển sang chẩn đoán vỡ buồng trứng tử cung để bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT. Như vậy, vô tình bệnh viện này đã “làm một đường, kê khai một nẻo”. Ở một số dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường, không có trong danh mục của tỉnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, hiện tại, bệnh nhân của bệnh viện có khoảng 90% bệnh nhân dưới 6 tuổi và người nghèo, cho nên việc quy định giá một số loại dịch vụ hiện đang còn thấp hơn so với thực tế, vừa gây khó khăn cho bệnh viện, vừa tạo áp lực cho nhân dân. Ngoài ra, hiện tại, việc quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đang được áp dụng chung cho cả người lớn và trẻ em, trong khi đó, việc thực hiện nhiều loại dịch vụ cho trẻ em yêu cầu các vật tư tiêu hao lớn hơn người lớn. Chỉ đơn cử như việc tiêm, chuyền đối với trẻ nhiều khi làm 2 - 3 lần nên phải thay kim; hay khi làm các thủ thuật, phẫu thuật, người lớn thì có thể gây tê, nhưng trẻ em thì phải thực hiện gây mê, an thần; hoặc việc thở máy, người lớn có thể 2 – 3 ngày đặt một lần, còn đối với trẻ em có khi phải thay 2 – 3 lần/ngày... Song song với các vấn đề nêu trên, theo một số bệnh viện, giá một số dịch vụ thấp hơn so với thực tế triển khai. Đơn cử như xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán các bệnh tuyến giáp như bệnh basedow, suy giáp, bướu cổ; định lượng hormon tuyến giáp, tuyến yên...; hoặc một số dịch vụ kỹ thuật mới thuộc chuyên ngành nội tiết giúp chẩn đoán sớm biến chứng của bệnh. Một số quy định giá dịch vụ kỹ thuật được ghi trong văn bản thiếu rõ ràng, cho nên thiếu thống nhất trong cách hiểu giữa cơ quan BHYT với các cơ sở y tế, gây khó khăn trong việc quyết toán...
Trao đổi về những bất cập đang đặt ra, ông Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Quá trình xây dựng danh mục đơn giá trình ra HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết 56 dựa trên những kỹ thuật được triển khai trên địa bàn tỉnh ở thời điểm đó. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, có một số dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật tuyến Trung ương chuyển giao, cho nên hiện các dịch vụ này mặc dù đã triển khai, nhưng đang nằm ngoài doanh mục được tỉnh quy định, dẫn đến người bệnh không được hưởng. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật, mức giá không phù hợp với thực tế; hoặc một số dịch vụ không được BHYT thanh toán, cho nên không khuyến khích được các cơ sở y tế triển khai thực hiện, buộc phải chuyển tuyến. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.153 dịch vụ khám, chữa bệnh có giá mới chỉ đạt 72% so với giá tối đa được Bộ Y tế quy định, gây khó khăn cho các cơ sở y tế và cả về phía người bệnh... Cũng theo ông Bùi Đình Long, từ những bất cập đặt ra, ngành Y tế đang tiến hành xây dựng dự thảo khung giá mới trên cơ sở các quy định của Trung ương và của tỉnh để thông qua UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét cho điều chỉnh, bổ sung đơn giá dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ sở y tế và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Xét ở góc độ khác, theo chúng tôi, việc điều chỉnh tăng giá viện phí thời gian qua nhằm đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất và phục vụ tốt nhất cho người bệnh, thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng sử dụng các vật tư tiêu hao, sử dụng thuốc mua từ bên ngoài của các bệnh nhân có BHYT vẫn còn xảy ra tại một số bệnh viện. Sự hài lòng của người bệnh đối với tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ trong các bệnh viện còn rất khiêm tốn. Vì vậy, vấn đề đặt ra, muốn điểu chỉnh tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong thời gian tới, cần phải tính đến việc hướng tới phục vụ người bệnh một cách tốt nhất, đảm bảo tối ưu quyền lợi của người bệnh trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, môi trường bệnh viện và thái độ, tinh thần phục vụ, tạo sự thoải mái cho người bệnh. Có như vậy, chủ trương điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh mà Sở Y tế trình HĐND tỉnh trong thời gian tới mới nhận được sự đồng thuận của các vị đại biểu HĐND tỉnh và các tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: Mai Hoa
(Baonghean)