Ngày ngày có hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân cập cảng, đổ cá sau những chuyến ra khơi dài đằng đẵng. Khi tàu thuyền cập bến cũng là lúc hàng chục đứa trẻ ở đây làm nghề mót cá phải vật lộn để mưu sinh.
Cảng Lạch Vạn chỉ tấp nập từ khoảng 12h trưa đến 2h chiều, lịch làm việc của những đứa trẻ ở đây cũng trong khoảng đó. Với bộ "đồ nghề" đơn giản là vài chiếc rổ nhựa, cái bao tải hoặc túi nilon, những đứa trẻ này thoăn thoắt lao vào công việc mỗi khi tàu về cảng nhập cá.
Nam, Minh, Mạnh là nhóm đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp ở cảng Lạch Vạn. Nước da đen nhẻm, đầu tóc xoăn tít, cặp mắt lúc nào cũng nhìn ngang, ngó dọc để "hôi" cá, Mạnh cười: "Đang là dịp nghỉ hè nên chúng em không phải lo nghĩ đến chuyện học, chứ bình thường thì buổi sáng nhóm của em đều đến trường, sau khi tan học, cả bọn tụ tập tại cảng cá rồi chia nhau đi đến các chủ tàu xin vác cá thuê. Vác xong, chủ hàng trả công bằng mấy con cá, mực, ghẹ…".
Công việc thì làm chung nhưng kết quả lại phải chia riêng, cuối buổi, khi tàu thuyền đã vãn thì cả nhóm mới tụ tập lại để chia phần. "Lúc ít, lúc nhiều nhưng hầu như hôm nào mỗi đứa cũng có vài cân cá, mực hoặc ghẹ mang về cho mẹ hoặc chị mang ra chợ" - Mạnh cười lém lỉnh.
Nếu như nhóm của Mạnh chuyên đi vác cá thuê thì nhóm của Linh gồm 5 đứa trẻ đang ở tuổi 12 đến 14 lại chuyên đi nhặt cá rơi vãi. "Mỗi lần tàu về có hàng chục tấn cá, họ tập kết lên bờ rơi rớt lung tung nên bọn em xông vào nhặt", Linh kể. Mặc dù đi theo nhóm nhưng những đứa trẻ nhặt cá rơi vãi lại không chia đều chiến lợi phẩm của mình mà thường là ai nhanh tay, nhanh mắt thì "thu hoạch" được nhiều và ngược lại.
Ở cảng cá Lạch Vạn có khoảng 30 đứa trẻ làm công việc này, hầu hết đang tuổi đến trường. Đang là mùa hè nhưng nói đến chuyện học đứa nào cũng cười bẽn lẽn: "Hầu như bạn nào cũng vừa đi học vừa đi "hôi" cá, lâu dần cũng thành quen nhưng mùi tanh của cá thì thật kinh khủng. Nhiều lúc đi ra cảng về không kịp tắm bọn em đi học luôn, đến trường thì các bạn đều bịt mũi và bắt chúng em phải ngồi dưới góc lớp học".
Một chị phụ nữ đang chọn cá nói xen vào: "Dân biển mà lại, mùi tanh cá là chuyện bình thường. Hồi nhỏ chúng tôi đi học ngày nào cũng bị cô giáo nhắc về chuyện tắm rửa nhưng nhắc mãi mà có cải thiện được gì đâu, đời này qua đời khác người dân vùng biển này đều như thế cả".
Đang giữa mùa hè, nhiệt độ ở vùng đất nóng xứ Nghệ hầu như lúc nào cũng trên 38 độ C, cảng Lạch Vạn lại nằm gần cánh đồng muối, những đợt gió Lào thổi mạnh, mang theo hơi muối táp vào mặt khiến đứa trẻ nào cũng đen nhem nhẻm, tóc tai quăn tít.
Thế nhưng, với những đứa trẻ này thì đây đang là "mùa làm ăn" thuận lợi nhất bởi đây đang là mùa ra khơi của ngư dân, hầu như thuyền nào cũng đầy ắp cá mỗi khi cập cảng, điều này cũng có nghĩa là cơ hội "thu hoạch" của chúng sẽ nhiều hơn, không phải cắp rổ về không sau mỗi lần ra cảng.
Không những vậy, với tính chất nghề nghiệp, suốt ngày dầm mình trong nước, nên mùa hè lại cảm thấy mát và dễ chiụ hơn mùa đông bởi giữa những ngày đông rét cắt da cắt thịt, đứa nào cũng phải dầm mình trong nước biển, run cầm cập. Một em bé thở dài như ông cụ non: "Làm nghề mót cá mùa nào cũng khổ, mùa đông thì da thịt đứa nào cũng tím tái vì rét, mùa hè thì rát mặt vì nắng nóng".
Cảng Lạch Vạn mùa này tấp nập tàu về, giữa dòng nước đen ngòm vì rác rưởi và ô nhiễm, hàng chục đứa trẻ đang cần mẫn mưu sinh, thỉnh thoảng chúng lại ngước lên, vừa nói chuyện, vừa cười đùa nhưng đứa nào cũng nhanh tay, nhanh mắt, miệng nói, tay làm không khác gì những cửu vạn chuyên nghiệp ở thành phố…