Ngành Điện bán "điện tại gia" đã lâu. Nghĩa là điện được đưa về đến tận hộ và chủ hộ chỉ phải trả tiền điện theo giá bậc thang theo quy định.
"Điện tại gia" càng sôi nổi khi năm nay ngành Điện lực Việt Nam chủ trương tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế để đầu tư tu bổ và bán điện tại gia cho toàn bộ khách hàng. Theo kế hoạch thì đến 2010 chương trình tiếp nhận này sẽ hoàn tất và người tiêu dùng sẽ được hưởng giá bán điện rẻ.
Trong khi nhiều nơi đang sôi động không khí bán "điện tại gia", lắp đặt công tơ mới thì người dân Nghi Phú (Thành phố Vinh) hàng trăm hộ vẫn phải dùng điện giá cao của các HTX, các tổ dịch vụ trước đây. Giá điện trên 1000 đồng/ kw nhưng chất lượng kém. Nhiều người dân muốn bắt "điện tại gia" nhưng ngành Điện (chi nhánh điện Nghi Lộc) chẳng quan tâm. Nguyên nhân là trước đây ngành Điện đã đầu tư "điện tại gia" ở đây theo dự án WB. Tuy nhiên, chỗ thì có cột, chỗ thì không; chỗ thì có đường dây, chỗ không có. Vậy là, nơi thì được hưởng lợi, nơi thì không. Mọi việc lắp đặt cột, chăng dây... cán bộ xóm cũng không hay chứ đừng nói dân biết, bàn. Họ thích nhà nào thì họ dựng cột gần đó.
Dân thắc mắc thì ngành Điện trả lời: dự án tiền chỉ đến đó. Chính vì vậy mà như xóm 15 Nghi Phú- mới khoảng 100 hộ dân có điện tại gia, trong khi khoảng 130 hộ khác lại không có. Các xóm khác cũng tương tự. Trong một xóm chỉ cách nhau chục mét, nhưng nhà có điện nhà không có điện lưới. Những nhà không có điện tại gia đành phải bỏ tiền ra đầu tư từ dây, công tơ, hộp bảo vệ để kéo về gây rất nhiều bức xúc và bất công. Mà phải gom đủ 4 hộ gần nhau thì mới "đủ điều kiện" để bắt điện.
Xin đơn cử một số trường hợp cụ thể: Bà Giáo- xóm 15 Nghi Phú là mẹ liệt sỹ là một trong rất nhiều hộ phải chịu cảnh điện phập phù. Sau gần 10 năm chờ đợi không thấy "điện tại gia" trở lại, bà đã phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua dây, công tơ, hộp và kéo điện từ cột về nhà. Ông Khâm nhà ở xa "cột tại gia" đã phải mua 120 mét dây và các thiết bị phụ trợ mất 1,5 triệu đồng mới có điện. Bà Mai Thị Hiền Đệ- xóm trưởng cho biết: để có điện tại gia, mọi người tốt nhất cứ phải tự đầu tư, chứ chờ chủ trương của Nhà nước thì chưa biết bao giờ. Bất công là, cùng một dự án những nơi thì được hưởng, nơi phải bỏ ra hàng triệu đồng mới có điện. Rồi có nhà muốn bỏ tiền ra nhưng cũng không ai đến bắt cho. Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, dây, công tơ họ lại mua khác nhau vì thế một lần nữa "điện tại gia" lại không đồng bộ.
Nhiều hộ dân cũng rất bức xúc: việc tiếp nhận toàn bộ lưới điện cũ ngành Điện không hề trả lại đồng nào cho dân và các tổ chức. Họ đã bỏ ra tiền đầu tư ban đầu, nào cột, nào dây, rồi kinh phí xây dựng trạm biến áp... nhưng ngành điện chỉ biết nhận chứ không có ý kiến gì.
Vậy là câu chuyện về điện vẫn cứ "nóng" ở xã Nghi Phú.
Trân Châu Nguồn: Báo Nghệ An 11/06/2009 |