Nhân kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Hồng Hải - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy một số vấn đề về tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo trước những yêu cầu mới.
P.V: Thưa đồng chí Tô Hồng Hải, 83 năm qua công tác tuyên giáo đã có những đóng góp to lớn đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Hiện nay, đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng, “trận địa thông tin” ngày càng trở nên phức tạp, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như của công tác xây dựng Đảng đối với hoạt động của ngành Tuyên giáo ngày càng cao hơn. Đồng chí suy nghĩ gì về điều này?
Đồng chí Tô Hồng Hải: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã coi công tác tuyên giáo là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, đó cũng là cơ sở quan trọng để đi đến thành công của sự nghiệp cách mạng và đảm bảo sự bền vững của chế độ.
Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập một cách toàn diện và sâu sắc. Nhiệm vụ phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ và giữ vững toàn vẹn độc lập chủ quyền của Tổ quốc càng trở nên hệ trọng, bức thiết, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo của Đảng, thậm chí, những yêu cầu đó xét về độ khó, sự phức tạp, tính khốc liệt... chưa chắc đã thua kém gì so với thời kỳ chiến tranh.
Tôi nói vậy là vì trên thực tế hiện nay những người làm công tác tuyên giáo gặp rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với vô số những khó khăn, thách thức thường trực, phức tạp, khó lường. Muốn đáp ứng được yêu cầu công tác tuyên giáo ngang tầm, thì cần xác định đúng và trúng những thuận lợi để tranh thủ, nhìn rõ những khó khăn để vượt qua.
Trước hết, về thuận lợi, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng ta ngày càng được khẳng định. Vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được làm cho bộ mặt đời sống, điều kiện sống về vật chất và tinh thần của toàn dân đang được cải thiện vượt bậc, với tốc độ nhanh. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo ngày càng được đào tạo bài bản, chính quy. Phương tiện và công cụ làm việc ngày càng hiện đại, việc tìm kiếm, truy cập, khai thác, trao đổi thông tin, kiến thức vô cùng thuận lợi… Có thể nói, về phương tiện và điều kiện làm việc thì chưa bao giờ có những thuận lợi như hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác tuyên giáo cũng gặp muôn vàn những khó khăn, thách thức. Các mối quan hệ quốc tế vận động, biến đổi không ngừng, phức tạp và khó lường. Nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, về vấn đề nhân quyền giữa các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) vẫn còn nhiều khác biệt, thậm chí có những khoảng cách về nhận thức ngày càng xa nhau, tiềm ẩn không ít nguy cơ. Những vấn đề này đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, định hướng thông tin để cập nhật đúng tình hình và mối quan hệ đối tác, đối tượng, hoặc cả hai.
Trong nước, đời sống nhân dân ngày càng có sự phân hóa khá rõ về thu nhập, về điều kiện, mức sống. Trong xã hội có sự phân hóa đa dạng về nhu cầu thông tin, nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa. Cùng với đó, sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, viễn thông, kéo theo các nguồn cung cấp thông tin cũng đa dạng, phức tạp, dẫn đến cùng trong một cơ quan, đơn vị, địa phương, thậm chí trong một gia đình, nhưng có thể cùng một lúc tiếp cận và khai thác những nguồn thông tin khác nhau.
Không ít trường hợp cùng một vấn đề, một sự việc xảy ra, nhưng các hệ thống thông tin truyền thông có thể tiếp cận khác nhau, giữa thông tin báo chí và mạng xã hội khác nhau, rồi ngay giữa các các cơ quan báo chí cũng khác nhau, thậm chí cùng một cơ quan báo chí nhưng mỗi thời điểm lại phản ánh một nội dung thông tin khác nhau… dẫn đến sự thật thì chỉ có một, nhưng qua các phương tiện truyền thông lại “đẻ” ra thành nhiều “sản phẩm truyền thông” khác nhau, dễ gây nên tình trạng “nhiễu” thông tin.
Những bối cảnh đó là những khó khăn lớn, nhưng chưa phải là khó khăn lớn nhất đối với công tác tuyên giáo. Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) của Đảng đã xác định một trong những nguy cơ có tính cấp bách, đe dọa đến vai trò lãnh đạo và sự tồn vong của chế độ, đó là trình trạng suy thoái niềm tin trong Đảng, là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân đang bị ảnh hưởng, bị “tổn thương”… Đó cũng chính là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với công tác Đảng nói chung, trong đó có công tác tuyên giáo.
Đồng chí Tô Hồng Hải kiểm tra mô hình trồng rau chất lượng cao tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh Hữu Nghĩa
P.V: Thưa đồng chí, vậy trước những khó khăn, thách thức đó, đội ngũ làm công tác tuyên giáo của Đảng nói chung và công tác tuyên giáo của Nghệ An cần phải làm gì để hoạt động thực sự có hiệu quả, góp phần củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp?
Đồng chí Tô Hồng Hải: Như đã đặt vấn đề, khó khăn và thử thách lớn nhất là tình trạng suy thoái niềm tin, là khoảng cách về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân đang bị doãng ra, vì vậy công tác xây dựng Đảng mà đầu tiên là công tác tác tuyên giáo, phải xác định việc củng cố, lấy lại niềm tin trong Đảng, lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, hàng đầu, chi phối toàn bộ các nhiệm vụ khác. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó, người cán bộ tuyên giáo với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, phải làm tốt những nội dung sau:
Trước hết, việc tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải xác định là tuyên truyền để cán bộ tin, đảng viên tin, quần chúng nhân dân tin. Muốn vậy thì phải tuyên truyền thật, tức là tuyên truyền một cách thuyết phục, với cách làm thật, người làm thật, hiệu quả thật và phong trào thật. Tránh tình trạng tuyên truyền xa thực tiễn, xa phong trào, xa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Với Nghệ An chúng ta, nên nhận thức lại một số vấn đề trong quá trình tuyên truyền nghị quyết của Đảng. Đó là cần tuyên truyền nghị quyết hướng đến việc giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành, của đơn vị, địa phương, chứ không tuyên truyền, phổ biến chung chung, thiếu cụ thể, không rõ ràng. Người làm công tác tuyên giáo khi tuyên truyền nghị quyết là tuyên truyền về việc cần làm, nên làm, chứ không phải chỉ nói để nghe cho biết, nghe rồi để đó. Bởi, nếu nghị quyết sau khi được học tập, được quán triệt nhưng không được thực hiện tốt, hoặc không thực hiện được, thì niềm tin của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân với Đảng sẽ bị phai nhạt.
Cụ thể như việc tuyên truyền nghị quyết Trung ương 7 hiện nay. Tuyên truyền nghị quyết về công tác dân vận là để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại mỗi tổ chức, cá nhân đã thực sự vì dân, gần dân chưa. Vùng nào, địa bàn nào, lĩnh vực nào, cán bộ nào quan liêu, xa dân… Và nhiệm vụ mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gì để củng cố niềm tin, rút ngắn khoảng cách giữa dân với Đảng. Về nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường thì cần chỉ ra thực trạng và sự cần thiết phải vào cuộc của các ngành, các địa phương đối với tình trạng lũ ống, lũ quét ở miền núi như thế nào, ngập mặn ở ven biển ra sao, tình hình sâu bệnh và diễn biến mùa vụ có gì bất thường… Các loại tài nguyên khoáng sản như vàng, đá đỏ, đá trắng, thiếc, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên không khí… đã và đang quản lý, khai thác, bảo vệ như thế nào? Các ngành, địa phương có nhiệm vụ cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường ra sao.
Đối với công tác tiền lương và chế độ lao động, cần thực hiện chủ trương một cách sáng tạo; gắn vấn đề tiền lương với chế độ sử dụng, bố trí lao động, bố trí nhân lực; khuyến khích những tổ chức, tập thể thực hiện một cách sáng tạo, nhằm tăng năng suất lao động đồng thời tăng mức thù lao tương ứng. Tuyên truyền những mô hình, điển hình sáng tạo trong việc vận dụng, áp dụng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao đời sống cho nhân dân, đồng thời phải chỉ ra được những cách làm máy móc, bảo thủ, rập khuôn… dẫn đến trì trệ, tụt hậu, phong trào thiếu và yếu. Để công tác tuyên giáo thật sự có sức thuyết phục, có sức nặng về niềm tin, thì phải tuyên truyền những mô hình thật, điển hình thật từ việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Các binh chủng tham gia công tác tuyên truyền cần đổi mới, nâng cao năng lực cập nhật, thông tin chính xác, tính định hướng cao. Không thổi phồng, nói quá, nói sai sự thật. Bên cạnh đó, những tồn tại, khó khăn, yếu kém thì cũng lựa chọn thời điểm, ngôn ngữ phù hợp để nói thật với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Trừ những vấn đề thuộc về bí mật quốc gia, những vấn đề theo nguyên tắc về bảo mật, còn lại nên thông tin công khai, rộng rãi, kịp thời, tránh để tạo ra những khoảng trống, vùng trắng về thông tin, không tạo cơ hội tồn tại cho những tin đồn nhảm, thất thiệt, phiến diện, xuyên tạc, làm nảy sinh tư tưởng, hoài nghi, bức xúc, phương hại đến uy tín, thanh danh của tập thể, cá nhân, làm mất phong trào…
P.V: Đồng chí có thể cho biết một số nét nổi bật về những đổi mới của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An trong thời gian qua và định hướng thời gian sắp tới?
Đồng chí Tô Hồng Hải: Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo đối với công tác xây dựng Đảng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã thể hiện vai trò tích cực trong việc đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Trước hết là đổi mới mạnh mẽ về công tác báo cáo viên, về chất lượng bản tin nội bộ của Đảng bộ tỉnh để luôn giữ vững, tăng cường trận địa tư tưởng. Thường trực các đảng bộ, huyện, thành, thị ủy phải trực tiếp tham gia và chỉ đạo các hoạt động báo cáo viên định kỳ hàng tháng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, chỉ đạo nội dung tuyên truyền.
Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ về chất lượng, nội dung, hình thức giao ban báo chí, tăng cường đối thoại giữa các ngành, các địa phương, doanh nghiệp với các cơ quan báo chí trong tỉnh và cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn. Tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý nội dung thông tin báo chí nêu. Phát huy sức mạnh của các cơ quan báo chí, nhất là báo đảng địa phương, để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách thiết thực, hiệu quả, vì sự phát triển chung của tỉnh nhà; tích cực phát hiện, xử lý các khó khăn, bất cập, thách thức đang đặt ra tại các cơ sở, các địa bàn. Thông qua “mặt trận” báo chí để tạo các diễn đàn sinh hoạt tư tưởng, chính trị sôi nổi để tuyên truyền sâu đậm về các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chủ đề, chủ điểm quan trọng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội cũng được đổi mới, tăng cường theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nâng cao năng lực phản ánh, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt tình hình và dự báo các vấn đề nảy sinh trong xã hội. Phát huy vai trò cơ quan tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hóa, khoa giáo, lịch sử Đảng… nhằm mục đích bảo tồn những giá trị tốt đẹp của xứ Nghệ, về tính cách, tâm hồn con người xứ Nghệ, đồng thời bồi đắp, xây dựng những phẩm chất mới phù hợp với yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) để thực sự tạo ra những chuyển biến lớn trong công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc thực hiện chuyên đề trọng tâm của năm 2013 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các nội dung nghị quyết phải gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo.
Một vấn đề quan trọng quyết định đến thành công của công tác tuyên giáo là công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và quan tâm về chế độ, đời sống của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ở các cấp. Một mặt cần chuẩn hóa bằng cách bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên giáo một cách bài bản, đầy đủ về chuyên môn, về chính trị, nghiệp vụ, đồng thời phải đào tạo trong thực tiễn, phải gắn với cơ sở và hiểu cơ sở; đảm bảo cán bộ tuyên giáo vừa tinh thông về lý luận vừa có kiến thức và năng lực thực tiễn; vừa nắm bắt nhanh nhạy tình hình, vừa dự báo và định hướng thông tin kịp thời, chính xác…
Song song với đó, cần có sự đổi mới quan niệm về công tác tuyên giáo của Đảng. Đó là công tác tuyên giáo không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo. Thực tiễn cho thấy, ở đâu bí thư cấp ủy quan tâm công tác tuyên giáo, thì ở đó công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng được thực hiện tốt. Ở đâu mỗi cán bộ, đảng viên đều là một tuyên truyền viên tích cực, thì ở đó có phong trào cách mạng vững mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, từ đồng chí bí thư cấp ủy các cấp, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên các đoàn thể… đều phải thực sự là một tuyên truyền viên, một chiến sĩ tích cực trên mặt trận tư tưởng. Có như thế công tác tuyên giáo mới ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi đặt ra của công tác xây dựng Đảng cũng như yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ngô Kiên - Báo Nghệ An - (Thực hiện) |