Một tác phẩm báo chí được đầu tư công sức sẽ được trả nhuận bút tương xứng, không chỉ cho riêng phóng viên trực tiếp thực hiện mà cả những người ở hậu kỳ như biên tập viên, người cung cấp thông tin.
Đó là một phần trong những quy định của dự thảo nghị định Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của Chính phủ sắp ban hành. Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông hôm nay (20/3) đã có cuộc họp kỹ thuật chốt lần cuối, tham vấn trực tiếp với các báo, nhà xuất bản.
Nghị định này thực chất không phải bản nghị định mới. Nó được soạn thảo nhằm thay thế chương 2, 5, 6 của nghị định 61 ban hành năm 2002 về chế độ nhuận bút vốn đã quá lạc hậu, bất cập.
Thoáng?
Đối với báo chí, nếu cơ chế cũ trước đây ấn định chi tiết về tài chính nhuận bút (thậm chí quy định cụ thể đến mức trần của từng cái tin) thì lần này, nghị định chỉ tạo khung pháp lý cơ bản để các báo linh hoạt áp dụng và quyết định cụ thể dựa trên chất lượng từng ấn phẩm.
Nghị định được cho là "cú hích", tạo ra một cơ chế thông thoáng hơn về tài chính nhuận bút đối với các báo, đơn vị xuất bản hoạt động chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, do cơ quan chủ quản cấp.
|
Theo dự thảo nghị định, tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm sẽ được hưởng thêm nhuận bút |
Trong khi đó, đối với cơ quan báo chí tự cân đối được kinh phí, nghị định tạo ra những cơ chế để các tổng biên tập "vững tâm" quản lý, như lời Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.
"Với những báo sống bằng ngân sách, số lượng phát hành không nhiều như các báo đảng bộ địa phương thì quả thực nhuận bút là sự khó khăn. Quy định như trước đây đúng là khó. Có những bài tác giả chỉ được trả 100 nghìn, làm sao đòi hỏi vắt óc được. Nhiều khi nhận nhuận bút chỉ vì tấm lòng thơm thảo" - ông Doãn nêu và đồng tình phải sửa đổi.
Theo đó, quỹ nhuận bút hàng năm của các báo hoạt động theo ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản cấp sẽ không bị đóng cứng trong khoản ngân sách mà còn được bổ sung từ các nguồn thu khác có sự đồng ý của cơ quan chủ quản.
Với cơ quan báo chí tự cân đối kinh phí và có lãi do hoạt động báo chí và các hoạt động kinh tế hỗ trợ, tổng biên tập có thể tự quyết định mức hệ số nhuận bút của tác phẩm. Tổng biên tập có thể trả cho tác giả cao hơn mức nhuận bút bình quân chung, miễn không quá quỹ nhuận bút cho phép.
Một trong những cơ chế mới từ nghị định sắp ban hành, đó là "nhuận bút khuyến khích" ngoài nhuận bút đương nhiên cho mỗi tác phẩm báo chí - tức khoản thù lao trả cho chất lượng nổi bật hay mức độ, công sức đầu tư lớn, sự sáng tạo của người thực hiện.
Tính công làm hậu kỳ
Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cũng cho hay, một tác phẩm báo chí xuất bản được đầu tư công sức sẽ được trả nhuận bút, thù lao tương xứng, không chỉ cho riêng người viết (phóng viên) trực tiếp thực hiện mà cả những người ở hậu kỳ như biên tập viên, cho đến những người cung cấp thông tin.
"Các tác phẩm do phóng viên thực hiện để xuất hiện trên mặt báo có công sức của những người ở phía sau là biên tập viên, tòa soạn giúp biên tập, tổ chức thực hiện, tác nghiệp.
Tác phẩm của phóng viên có hay, nổi bật là do biên tập viên. Nếu chỉ trả cho phóng viên mà không trả cho biên tập viên thì sẽ không khuyến khích được những nhà báo giỏi tham gia công việc biên tập, làm công việc tòa soạn. Sẽ không có người giỏi ở hậu kỳ - giai đoạn cuối, quan trọng của chu trình xuất bản báo chí" - ông Lượng nói.
Theo dự thảo nghị định, nếu tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng được hưởng 100% nhuận bút thì biên tập viên, người tham gia thực hiện công việc liên quan đến tác phẩm báo chí ở giai đoạn hậu kỳ (tùy theo mức độ đóng góp) cũng được hưởng 100% thù lao.
Dự thảo nghị định đó là việc quy định cụ thể các loại tác phẩm báo chí thuộc điện tử như trực tuyến, media (clip, truyền hình, âm thanh...) và hệ số khung nhuận bút chi trả cho loại tác phẩm này cao nhất so với các loại tác phẩm khác do tính phức hợp về công nghệ, nhân lực thực hiện.
Tổng biên tập báo Hà Nội mới Tô Phán trăn trở, vấn đề lớn nhất của cơ chế nhuận bút nói riêng hay sự phát triển của một tờ báo nói chung, đó là "tiền ở đâu".
Theo ông, vấn đề cốt lõi là thuế thu đối với báo chí hiện đang ở mức cao, không kém thuế của những loại hình kinh doanh dịch vụ như karaoke.
Trong khi QH đang bàn việc giảm thuế cho doanh nghiệp, ông mạnh dạn kiến nghị xem xét miễn giảm thu thuế đối với báo chí.
"Như vậy các báo sẽ có thể tái cơ cấu phát triển, không chỉ là vấn đề nhuận bút báo chí" - ông cho hay.
Linh Thư (VietNamNet)