Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ người dân xóm Hòa Lam xã Hưng Hòa TP Vinh lại nơm nớp lo âu. Không chỉ người dân mà cả chính quyền từ TP đến xã, xóm phải tốn nhiều công sức cùng người dân ứng phó với bão lũ. Thực tế cuộc sống của người dân vùng rốn lũ Hòa Lam cũng như những nguy cơ rình rập cho thấy - Cần phải có một giải pháp sớm di dời các hộ dân Hòa Lam ra khỏi nơi này.
Từ những năm đầu của thập niên 70, doi đất nhỏ nằm ở cuối xã Hưng Hòa đã có những hộ dân chài đến xây dựng nhà cửa sinh sống. Và mặc dù sống bằng nghề sông nước thế nhưng người dân Hòa Lam cứ phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu khi mùa bão lũ về. Địa hình của xóm Hòa Lam thấp trũng, gần như lọt thỏm giữa một bên là bờ đê một bên là sông nước mênh mang. Cũng chính vì thế mà hàng chục năm nay người dân của xóm phải chịu cảnh ngập lụt gần như thường xuyên, nhà của tài sản hư hỏng, tính mạng bị đe dọa. Trận lũ năm 2010 xóm ngập sâu hơn 2 mét. Nhà cửa của dân bị tốc mái, tàu thuyền bị chìm có hộ thiệt hại trên 50 triệu đồng. Làm lụng đánh bắt cả năm tích lũy được vài ba chục triệu người dân Hòa Lam lại phải dành hết vào đầu tư sửa sang nhà của, đường sá… Ông Nguyễn Văn Nguyệt - Người dân xóm Hòa Lam Xã Hưng Hòa TP Vinh cho biết: “Bão lũ ác liệt, rất mạnh nhà cửa thiệt hại rất lớn, lụt bão liên tuc, , sóng đập mạnh làm thiệt hại rất lớn, gia đình tôi năm vừa rồi tính sơ sơ cũng thiệt hại khoảng 18 triệu đồng…”
Do tập quán sinh sống bằng nghề chài lưới vì thế gần 50 hộ dân xóm Hòa Lam muốn ở gần bờ sông để tiện cho việc đánh bắt cũng neo đậu tàu thuyền. Thế nhưng vì bão lụt thường xuyên không nhà nào dám xây nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt, cuộc sống chỉ mang tính tạm bợ. Xóm chỉ có 6 con thuyền đánh bắt xa bờ và 49 thuyền đánh bắt trên sông, một số hộ làm nghề thả đăng đó thế nhưng một năm 4 tháng mùa nước lũ, 8 tháng nước mặn, 4 tháng nước lợ, người dân không thể nuôi trồng, đánh bắt vì ở cuối nguồn nước, dòng sông bị ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở như đường sá, nhà văn hóa và các công trình công cộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng không được xây dựng, nhiều năm nay xóm nằm trong diện di dời tái định cư vì thế cũng không được sự hỗ trợ đầu tư xây dựng của nhà nước mà chỉ cứu trợ nhu cầu thiết yếu khi có bão lũ xẩy ra. Vì thế đã ảnh hưởng sinh hoạt của người dân cũng như việc xây dựng các phong trào của xóm. Ông Đậu Xuân Thưởng - Xóm trưởng xóm Hòa Lam xã Hưng Hòa TP Vinh cho biết: "Hiện nay phong trào của xóm muốn xây dựng một cộng như nhà văn hóa, hội trường nho nhỏ để sinh hoạt. Nhân dân đã có đề xuất lên trên nhưng nhà nước không cho nữa vì đây là đất di dời. Vì trên quan điểm muốn lấy ngắn nuôi dài muốn ra riêng đất đai, nhà cửa cho con cái nhưng không được, mà đời sống ở đây làm ăn rất khó khăn các cháu đi xuất khẩu lao động là chủ yếu.. ”
Với địa hình thấp trũng, nằm ngoài vành đai bờ đê khiến cho xóm Hòa Lam trở thành rốn lũ. Bên cạnh đó sóng nước ngày càng mạnh hơn do khí hậu thời tiết bất thường, thủy triều đại cường cùng với và tàu bè qua lại nhiều khiến cho mảnh đất Hòa Lam đang bị xói lở ngày một nhiều hơn. Năm 2008 xóm đã xây kè đá tạm thời thế nhưng sóng nước hung dữ đã khiến cho kè bị lở gãy, đất bị xói lở, đất xóm Hòa Lam ngày càng bị thu hẹp dần. Ông Trần Cao Cường- Phó CT UBND xã Hưng Hòa trao đổi với chúng tôi: “Quy hoạch nông thôn mới xã Hưng Hòa thì địa bàn xóm Hòa Lam nằm trong quy hoạch được di dời về phía trong đê sát nhập, giáp ranh với địa bàn xóm thứ hai mục đích để tránh nguy cơ ngập lụt cho bà con và cũng xuất phá từ quy hoạch xd NTM vì vậy chúng tôi đã có tờ trình, Thành phố cũng có tờ trình lên ủy ban Tỉnh nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì khác “
Trước sự bất ổn của cuộc sống người dân xóm Hòa Lam, TP Vinh cùng với xã Hưng Hòa đã có phương án lập hồ sơ đề nghị di dời người dân đến một nơi ở mới để họ an cư lạc nghiệp. Và theo chủ trương của nhà nước cũng thì các vùng cần cư nằm ngoài đê phải di dời tái định cư. Tuy nhiên theo chủ trương đó với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ thì sẽ rất khó khăn cho người dân khi đến nơi ở mới. Khi thiên tai bất khả kháng người dân Hòa Lam vẫn đang phải chỉ biết chờ đợi và chắc chắn mùa mưa bão năm nay sẽ lại bỏ tiền của khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Di dời người dân Hòa Lam ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt là vấn đề mà tỉnh cần quan tâm giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xẩy ra.
Thanh Loan