Nhìn từ ngành điện
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Theo quyết định này thì đến ngày 30/12/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp nhận 100% lưới điện hạ áp nông thôn. Đây được xem là một trong những chủ trương đúng đắn, thể hiện được "ý Đảng, lòng dân".
Tuy nhiên đến nay, sau khi ngành Điện lực Nghệ An triển khai thực hiện đã gặp phải nhiều khó khăn về vốn đầu tư và nhân lực. Tính đến hết năm 2011, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận tài sản, bán điện tại gia cho 291 xã, cụm ngoài dự án, với 387.255 hộ được mua theo giá điện Chính phủ với trên 6.000 km đường dây hạ áp và tiếp nhận tài sản còn lại trị giá trên 90 tỷ đồng, ước vốn hoàn trả 78 tỷ đồng.
Hiện còn 122 xã do các tổ chức tại địa phương quản lý chưa được ngành điện tiếp nhận, trong đó, có 95 xã thuộc dự án Năng lượng nông thôn II (RE.II) và RE II mở rộng, 27 xã ngoài dự án đồng ý bàn giao nhưng chưa giao nhận, còn 8 xã thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, TX.Thái Hòa và Hưng Nguyên.
Trước thực trạng, hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xây dựng cách đây từ 2 - 3 thập niên, trong khi phần lớn đều do người dân tự ý kéo mắc nên yêu cầu kỹ thuật và độ an toàn không đảm bảo; không được cải tạo, sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng.
Trước bất cập đó, ngành điện đã bổ sung thay thế hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, thay sứ cách điện vỡ, bổ sung cột đỡ dây để đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện... Sau tiếp nhận, ngành điện đứng trước khó khăn về yếu tố công ích và lợi nhuận, giữa đầu tư trước mắt và lợi nhuận lâu dài. Nhưng thực tế thì hầu hết lưới điện do các mô hình đại lý quản lý, bán điện cho người dân đều có tổn thất tới 30 - 40%.
Nhiều dự án về đầu tư xây dựng đang ngưng trệ do thiếu vốn
Để đạt được mục tiêu, hạ tỷ lệ tổn thất điện từ 16 - 20%, theo tính toán sau tiếp nhận, ngành điện phải đầu tư tối thiểu xấp xỉ 700.000 - 900.000 đồng/hộ. Tính đến hết năm 2011, ngành điện đã đầu tư gần 195 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ; ký hợp đồng với 1.116 nhân viên HTX dịch vụ điện năng cũ của các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn về quản lý điện, phân công cán bộ ngành điện theo dõi, xử lý những tình huống, sự cố về điện. Do đó, Công ty Điện lực Nghệ An cần đầu tư ít nhất gần 3.000 tỷ đồng để có thể nâng cấp lưới điện và đưa tỷ lệ tổn thất xuống dưới 8%.
Cụ thể, mỗi xã ít nhất phải có 3 - 5 trạm biến áp và cải tạo, bổ sung thêm đường dây 0,4Kv, chi phí đầu tư cho mỗi trạm lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Đây thực sự là số tiền quá lớn, bản thân ngành điện không thể tự trang trải mà phải trông chờ vào vốn dự án, vốn vay của Nhà nước và các tổ chức khác, vì thế mà tiến độ tiếp nhận bàn giao chưa hoàn tất.
Đến hàng trăm dự án "khát" vốn
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2011 do tiến độ thi công, giải ngân chậm nên Trung ương đã "cắt" vốn thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với tỉnh hàng trăm tỷ đồng. Đây là số vốn mà UBND tỉnh đã phải bỏ nhiều thời gian, công sức để đề nghị Trung ương phân bổ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tuy nhiên, khi được phân bổ đầu tư xây dựng công trình, thì chủ đầu tư, đơn vị thi công thiếu quyết tâm nên xảy ra chậm trễ, dẫn đến bị Trung ương "cắt" vốn. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 dự án đang được triển khai thi công ở tất cả các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, y tế, trường học... với số vốn trên 13.000 tỷ đồng, thuộc vốn trái phiếu Chính phủ.
Trong khi đó, thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ, hiện các công trình này mới chỉ được "rót" về trên 6.500 tỷ đồng, tương ứng với gần 50% số vốn so với dự kiến. Bước sang năm nay, trên 50% số vốn còn lại, dự kiến chỉ bố trí khoảng 20% từ nguồn trái phiếu Chính phủ, gần 30% còn lại là do nguồn vốn địa phương tự cân đối.
Với thực trạng này, thời gian tới sẽ có nhiều dự án đang triển khai gặp khó khăn về mặt tài chính. Đơn cử như: dự án đường Tây Nghệ An có tổng số vốn trên 2.157 tỷ đồng, bị cắt 800 tỷ đồng, dự án đường Châu Thôn - Tân Xuân có số vốn trên 730 tỷ, bị cắt trên 200 tỷ đồng...
Thực trạng trên đây không chỉ đối với những dự án đã triển khai mà có tới 21 dự án đã được phê duyệt với vốn đầu tư lên đến trên 20.000 tỷ đồng cũng đang nằm trong hoàn cảnh bị "treo". Điển hình như các công trình giao thông trọng điểm: QL7 nối QL48, đường nối Khu kinh tế Đông Nam với huyện Đô Lương, đường cầu Yên Xuân... Ngoài ra, có một số công trình, dự án thuộc Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo do chưa được quan tâm đúng mức nên hàng năm chưa giải ngân kịp thời.
Theo ý kiến một số cán bộ thuộc Sở KH&ĐT, nguyên nhân là trên bình diện cả nước cũng như tỉnh ta đang trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong khi địa phương triển khai đồng loạt các dự án thì Nhà nước có chính sách trên khiến cho các sở, ngành, nhà đầu tư bị động.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, địa phương nào cũng "kêu" thiếu vốn, nhưng khi vốn được cấp lại không quyết tâm thực hiện công trình, dự án, dẫn đến chậm trễ phải trả lại Trung ương, trong khi đó với nhu cầu xây dựng cơ bản hiện nay là rất cao.
Do đó, để khắc phục những khó khăn về bài toán vốn như hiện nay, các sở, ngành và địa phương cần phải nâng cao nhận thức, không để xảy ra tình trạng xin được vốn rồi lại không thực hiện, đành để bị "cắt", gây thiệt thòi cho người dân trong vùng được thụ hưởng từ các công trình, dự án".