Hàng chục hộ kinh doanh buôn bán đồng nát ở thành phố Vinh đang đứng trước nguy cơ phá sản. Họ đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng, trở thành "con nợ" của ngân hàng.
Nguyên nhân là do giá thu mua giảm mạnh nên càng mua được nhiều hàng thì lỗ càng nặng. Bây giờ họ ngóng, cầu mong từng ngày giá tăng lên…
Nghề thu mua buôn bán đồng nát tuy vất vả, ô nhiễm song đem lại lợi nhuận cao. Sống với nghề họ có được nhà cao cửa rộng, xe này xe kia. Nghề đã thay đổi cuộc đời họ. Thế nhưng lại bấp bênh vì thị trường vì giá cả, từ nông dân lên đời cưỡi "mẹc" bây giờ đang “chết lâm sàng”. Đến khu vực đường Nguyễn Phong Sắc (P. Hưng Dũng) thấy đại lý nào cũng sắt, nhựa, nhôm, đồng, giấy vụn chất cao như "núi". Trả lời chúng tôi, chủ của đại lý Hiền Đào nói: "Năm nay rứa là mất dứt con bốn chỗ rồi chú ạ!". Sợ chúng tôi không hiểu, chị giải thích rõ hơn: "Nói thật với chú năm nay nhà tôi thua lỗ nặng vì mua "được" nhiều hàng. Giá rớt xuống chỉ còn 1/3 nên không dám bán, tính sơ sơ cũng lỗ khoảng sáu trăm đến tám trăm triệu đồng rồi. Nước này không dám tính đến lỗ lãi gì chỉ mong sao giá lên để thu được ít vốn là tốt lắm rồi". Theo tìm hiểu khi thu mua giá sắt vụn là 65.000 -70.000đ/kg nay rớt giá còn 30.000đ/kg, ngoài ra đồng nhôm và giấy cũng giảm mạnh xuống chưa được 1/2, nếu bán họ sẽ lỗ cả một gia tài. Đại lý thu mua được "ít" thì cũng có vài chục tấn hàng các loại, còn nhiều thì hàng trăm tấn. Không có chỗ họ đành chất cao lên. Chị nói tiếp: hiện nay nhà nào cũng nhiều hàng vậy nhưng không ai dám bán. Nhà nào ít vốn đành nhập một ít chịu thua lỗ để lấy vốn buôn tiếp và trả lãi ngân hàng, còn tôi còn thi gan với giá. Sự làm ăn manh mún, chịu tác động sâu sắc của quy luật thị trường làm họ lao đao. Hàng ngày, họ vẫn phải thu mua mặc dù lỗ, song vì tương lai họ đành liều đánh cuộc với thời vận. Theo giải thích của một đại lý thu mua về nguyên nhân giá thu mua giảm sút do: "Năm nay hàng triệu tấn sắt thép tồn đọng, đã đẩy các làng nghề luyện thép vào cảnh thua lỗ nặng kéo theo hàng vạn nhà làm nghề thua mua sắt phế liệu ở các tỉnh miền Trung lao đao theo". Như để chứng minh thêm sự hiểu biết thông tin thời cuộc của mình, ông chủ đại lý Tuấn Khanh (P. Hưng Dũng) còn nói: các làng nghề ở phía bắc như ở Bắc Giang, Thái Nguyên, hay như các làng nhựa ở Đà Nẵng, hoặc gần như ở xã Diễn Hồng còn phải "đắp chiếu" nên chúng tôi không có đầu mối để bán". Hơn nữa, lợi dụng trong thời kỳ khó khăn và nhu cầu vốn quay vòng thì các thương gia ra sức ép giá đối với đại lý. Các hộ kinh doanh phải chấp nhận bán lỗ để duy trì hoạt động. Theo tìm hiểu đa số các đại lý phải thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để hoạt động, họ tính khi xuất hàng sẽ thanh toán. Và nay hàng có không bán được trở thành con nợ của ngân hàng và nguy cơ mất cả chỗ cắm dùi. Khi các đại lý không còn thiết tha với thu mua kéo theo một số lượng người không nhỏ sống bằng nghề gom nhặt thu mua đồng nát thêm khó khăn. Hàng ngày họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố thu gom những gì bán được để kiếm đồng tiền ít ỏi mà người ta gọi là "ăn bám vào đô thị hóa, công nghiệp hóa". Nhưng bây giờ công nghiệp chết thì chỗ họ ăn bám chẳng còn. Theo tâm sự của Vinh (Hưng Lộc): chúng tôi là nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn vất vả đi nhặt ve chai kiếm chút tiền, bây giờ họ (đại lý) không mua nữa làm chúng tôi khổ quá. Không biết bao giờ giá đồng nát tăng lên nhưng họ vẫn hoạt động. Đói khổ, lao đao hay nói cách khác "nghề đã bạc" với cuộc sống của họ. nhưng họ vẫn không dứt hy vọng chờ thời giá lên. |