Các khu vực phường Bến Thuỷ, Trường Thi, Hà Huy Tập… tình trạng đào cây hoa sữa diễn ra hết sức phức tạp. Mỗi đêm lâm tặc “xơi” hàng chục cây trong khoảng từ 1 - 3 giờ sáng để sáng ra “chiến trường” còn lại là những cái hố nham nhở trên vỉa hè.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những cây hoa sữa được đào nguyên gốc rồi tập kết xuống sông Lam (chân cầu Bến Thuỷ, TP Vinh) để bán cho các đầu nậu. Tại đây, cây hoa sữa được vận chuyển về lạch cảng Cửa Hội rồi xuôi theo ra cảng Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất bán sang Trung Quốc.
Được biết, giá mỗi cây hoa sữa đường kính gốc từ 40 - 50cm có giá từ 3 - 4 triệu đồng, loại từ 20 - 30cm có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng… Vì giá “hời”, lại dễ kiếm ăn nên nhiều người dân vì ít nhiều lợi ích đã “vô tình” tiếp tay cho những kẻ đào trộm cây sữa.
Họ làm ngơ trước những hành động táo tợn của lâm tặc ngay cạnh khu vực nhà mình mà không hề có phản ứng. Thậm chí có người còn tham gia đào cây sữa để bán với giá rẻ với biện hộ “không thích ngửi mùi hoa sữa, cây do gia đình trồng nên có quyền bán”.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng Thành phố Vinh dường như chưa có được biện pháp hợp lý, mạnh tay trong việc quản lý hệ thống cây xanh trên địa bàn nên tình trạng đào trộm cây hoa sữa vẫn diễn ra đáng báo động.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Công viên cây xanh Thành phố Vinh cho biết: “Lực lượng bảo vệ của Công ty không thể quản lý nổi toàn bộ số cây xanh trên toàn thành phố. Chúng tôi cũng cho người đi kiểm tra thường xuyên, thỉnh thoảng mới phát hiện được vài trường hợp. Còn lại bọn lâm tặc cấu kết với dân đào, chặt trộm vào ban đêm cho nên rất khó kiểm soát”.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm TP Vinh cho biết: “Tình trạng chặt phá cây hoa sữa đã diễn ra 3 - 4 năm trước nhưng mang tính chất thưa thớt. Hiện nay tình trạng này diễn ra tương đối nhiều và tinh vi. Chi cục sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nhưng giải pháp trước mắt là chúng tôi kết hợp với Công ty cây xanh và một số cơ quan liên quan giao trách nhiệm đến người dân sở tại các khối phố, phường tự quản lý và kịp thời báo cáo khi phát hiện cây xanh bị chặt phá…”.
Theo báo cáo của Công ty công viên cây xanh, thời gian khoảng trung tuần tháng 11/2008 đã bắt được 3 vụ nhưng khi tiến hành lập văn bản thì bị lâm tặc thách đố đòi đánh lực lượng làm nhiệm vụ. Chỉ khi báo với chính quyền sở tại và công an thì bọn chúng mới chịu nhận tội và cũng chỉ bị phạt hành chính rồi đâu lại vào đấy.
Để cứu và bảo vệ lá phổi xanh của thành phố Vinh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa. Đặc biệt, là việc nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ và tố giác tội phạm.