Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của các HTX đã có; vận động xây dựng thành lập các HTX kiểu mới, trong đó trọng tâm là HTX làng nghề, HTX chợ, HTX môi trường, HTX trồng rừng… Mặt khác, chú trọng phát triển toàn diện về tổ hợp tác, Liên hiệp HTX, HTX trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng và tín dụng.
Mục tiêu trong 5 năm tới, Nghệ An không còn huyện trắng về mô hình tổ hợp tác, HTX; phát triển các loại hình ngành nghề nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp trong GDP; tạo việc làm cho lao động nông thôn; góp phần xóa nghèo và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến năm 2015 mức thu nhập của xã viên người lao động trong các HTX và làng nghề bằng 1,5 lần so với năm 2010 (năm 2010 thu nhập bình quân chung trong các HTX, làng nghề đạt 800.000 đồng/người/tháng).
Phát triển làng nghề
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, HTX, làng nghề đạt từ 6,5 - 7,5%/năm, giá trị TTCN, làng nghề đến năm 2015 đạt 3.000 - 3.500 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên trong các HTX, làng nghề từ 2,5 - 3,5 vạn người, trong đó việc làm mới từ 6.000 - 8.000 người; đồng thời mỗi năm đào tạo nghề cho xã viên và người lao động lĩnh vực TTCN từ 4.000 - 5.000 lượt người.
Để thực hiện tốt chương trình, tỉnh cần tạo điều kiện, giúp đỡ hỗ trợ về đất đai và cơ sở hạ tầng nông thôn cho các làng nghề; tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh được thuê đất tại các khu, cụm tuyến công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, các HTX, làng nghề cần đổi mới công nghệ thiết bị phục vụ cho sản xuất các sản phẩm như: dây chuyền tuy nen sản xuất gạch, máy chẻ nan tre sản xuất mây tre đan, máy dệt đũi tơ tằm… xây dựng trang Web tuyên truyền, thông tin lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX, TTCN, làng nghề.
Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động trong các HTX nhằm phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà, gắn kết giữa quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.