Ngày 3/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội đã công bố tóm tắt bản Báo cáo giám sát toàn cầu về Giáo dục cho mọi người năm 2008, theo đó Việt Nam đã đạt được một số những tiến bộ đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức.
Báo cáo cho thấy Việt Nam là một trong sáu quốc gia Đông Nam Á đạt được điểm số cao ở một số cấu phần của chương trình Giáo dục cho mọi người (GDCMN). Với 0,899 điểm đạt được về chỉ số Phát triển Giáo dục cho mọi người, Việt Nam đứng thứ 79 trên tổng số 129 nước.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp trước Myanmar, Philippines, Campuchia và Lào. Điều đó cho thấy so với các nước trong khu vực, tỷ lệ trẻ em tham gia tiểu học ở Việt Nam cao, số người lớn mù chữ thấp và có ít sự mất cân bằng về giới trong giáo dục.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để phát triển giáo dục. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu quốc gia về giáo dục, hướng đến việc phát triển con người một cách toàn diện. Chính phủ đã đề ra các chương trình phát triển giáo dục, như Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010, Kế hoạch quốc gia về giáo dục cho mọi người 2003-2015...
Trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và trong gói các Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đăng ký cũng có nội dung về phát triển giáo dục.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam dành nhiều quan tâm đến việc phát triển giáo dục cho các đối tượng là người các dân tộc thiểu số, người khuyết tật và chú ý đến vấn đề giới tính trong giáo dục. Bộ đã sáng tạo ra chữ viết riêng cho 7 dân tộc thiểu số, thành lập trên 9,000 Trung tâm học tập cộng đồng. Kết quả là đến năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học.
Cũng theo ông Hiển, ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam liên tục tăng, từ 15% năm 2000 lên 20% năm 2007 và sẽ được duy trì đến năm 2015. Đây là một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt, như tỷ lệ trẻ em bỏ học còn khá cao, giáo dục đa ngôn ngữ chưa thực sự phát triển (Việt Nam mới chỉ có 7 dân tộc thiểu số có chữ viết riêng), và tỷ lệ trẻ em nhập học có dấu hiệu giảm sút.
Theo ông Sheldon Shaeffer, Giám đốc Văn phòng Giáo dục Khu vực của UNESCO tại Băng Cốc, những nỗ lực của Việt Nam cũng như của các nước khu vực là đáng ghi nhận, song các nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực này mới có thể hy vọng đạt được các mục tiêu về Giáo dục cho mọi người vào năm 2015.
Cũng tại buổi lễ, UNESCO đã công bố Bộ tài liệu truyền thông về giáo dục đa ngữ, một vấn đề mà Việt Nam, đất nước có 54 dân tộc, rất quan tâm./.
Hà Nội (TTXVN)