Trong vòng 2 tháng, trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) xảy ra hai vụ sập hầm vàng làm 6 người bị vùi lấp bởi đất cát. Người viết bài không quá sửng sốt, bởi những ai thường xuyên qua lại vùng đất này đều có thể đưa ra dự báo về nguy cơ sạt lở, sập hầm và lũ quét.
Khai thác vàng làm ô nhiễm nguồn nước
Báo chí đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng dường như đều rơi vào cảnh “đàn gảy tai trâu”, hoặc các cấp chính quyền phớt lờ như không biết.
Và một điều chắc chắn rằng, số vụ sập hầm và số người thiệt mạng do khai thác vàng sẽ không dừng lại ở những con số kể trên, nếu ngay từ bây giờ không có một biện pháp “mạnh tay”…
Tội gì không đào?
Các huyện miền Tây Nghệ An (Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Qùy Châu...) khá dồi dào trữ lượng vàng sa khoáng, một số vùng còn lưu truyền những câu chuyện ly kỳ về các “kho báu”.
Sinh sống trên những “mỏ” vàng nên từ lâu một bộ phận nhỏ người dân nơi đây lấy nghề đào đãi vàng làm kế sinh nhai. Tuy vậy, quy trình khai thác của họ rất đơn giản, thường đem các vật dụng ra lòng suối xúc đất cát để đãi vàng sa khoáng (thường gọi là vàng vảy).
Quy trình này không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, môi trường sinh thái cũng như tính mạng con người. Cho đến những năm gần đây, khi chính quyền địa phương ồ ạt cấp giấy phép khai thác vàng sa khoáng cho các công ty khai thác khoáng sản, rồi kéo theo một số công ty “ma” nhảy vào, người dân hết sức bất bình và nhiều lần lên tiếng phản đối.
Theo họ, việc khai thác vàng với quy mô lớn sẽ gây hại tới môi trường sống, đặc biệt là mất đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước, mất an ninh- trật tự và nảy sinh các loại tệ nạn xã hội. Nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng hầu hết bị rơi vào quên lãng, cực chẳng đã, người dân vùng này tổ chức thành từng nhóm nhỏ (khoảng 10- 15 người) để xuống suối hoặc lên núi khai thác vàng.
Cái lý của người dân là núi rừng, sông suối của cha ông để lại bị người từ nơi khác đến đào xới tìm vàng, tội gì mình không ra đào xới. Họ chung tiền mua sắm các loại phương tiện để rồi cùng với các công ty được cấp phép và các công ty “ma” ra sức đào khoét lòng sông, lòng suối, băm nát các sườn núi, ngọn đồi để tìm thứ kim loại quý.
Đầy rẫy hiểm họa
Người dân phải đào “giếng” bên suối để lấy nước sinh hoạt
Việc khai thác vàng “đại quy mô” khiến vùng miền Tây Nghệ An trông như một “cơ thể lở loét, đầy những vết thương đang bưng mủ”.
Đặc biệt, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi dầu mỡ do máy móc thải ra, các loại hóa chất dùng để xử lý quặng và bùn đất. Vì thế, sống giữa đại ngàn bao la với hệ thống sông suối chằng chịt nhưng không ít bản làng nơi đây đang lâm vào tình cảnh “khát” nước sạch triền miên.
Chúng tôi có dịp đến vùng đất “4 Yên” (Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng, Yên Hòa) của huyện Tương Dương, thấy cảnh bà con phải ra tận bờ suối đào một cái “giếng” nhỏ (sâu chừng 1m, đường kính 50- 70cm) để nước bên ngoài thẩm thấu vào, rồi gạn đi phần nào bùn đất để lấy về phục vụ sinh hoạt, từ đun nấu đến tắm rửa, giặt giũ.
Chị Lương Thị Khoa, bản Trung Thắng (Yên Thắng) cho biết: “Dân bản phải đào hố lấy nước như thế này khoảng hai năm nay rồi, chưa thấy khi nào phải khổ vì thiếu nước sạch như thế này”.
Trở lại với việc đào đãi vàng của người dân các huyện miền Tây Nghệ An, dù đầu tư mua sắm phương tiện, nhưng quy trình khai thác vẫn còn mang tính thủ công và hết sức thô sơ so với máy móc chuyên dụng của các công ty khai khoáng.
Cách làm phổ biến là dùng cuốc xẻng đào thành hố sâu hoặc khoét vào sườn núi, bờ sông. Sau đó dùng máy bơm công suất lớn bơm nước trực tiếp vào các vách hố, lực nước mạnh từ vòi phun ra làm quá trình xói lở diễn ra nhanh hơn, đồng thời hạn chế được sức người trong việc đào đãi.
Với cách thức và quy trình khai thác này, tỷ lệ rủi ro có thể nói là rất lớn. Bởi khi đào thành hố sâu hoặc khoét thành hàm ếch, kết cấu địa chất vốn đã yếu lại bị “công phá” bởi “vòi rồng” thì hầm có thể sập và vùi lấp các “phu vàng” bất cứ lúc nào.
Và trên thực tế đã xảy ra không ít vụ sập hầm, vùi chết hoặc gây thương tích, nhưng có điều không phải tất cả đều được thông tin lên mặt báo.
Nhìn cảnh “lở loét”, tan hoang do khai thác vàng sa khoáng ở miền Tây Nghệ An nói chung, địa bàn huyện Tương Dương nói riêng, không ít người khẳng định con người sẽ tiếp tục phải gánh chịu thảm họa bởi sự “nổi giận” của núi rừng, sông suối.
Còn nhớ, cách đây đúng 2 năm, vùng đất “4 Yên” của Tương Dương hứng chịu trận lũ quét lịch sử làm 5 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị ngập và cuốn trôi, hàng trăm héc- ta hoa màu bị xóa sổ...
Và đó là hậu quả của việc khai thác tài nguyên bừa bãi như thế này…
Bùi Công Kiên -VNN |