Cùng với Kim Chi, Kim Phúc, những năm gần đây Kim Mỹ thuộc xã Nghi Ân - TP Vinh được xem như một điểm đến lý tưởng của những người mê cây cảnh cũng như giới kinh doanh cây cảnh trong và ngoài tỉnh. Năm 2010, làng được thành phố công nhận là làng có nghề. Nhân dân Kim Mỹ đang cố gắng tập trung phát triển rộng rãi mô hình trồng hoa, cây cảnh, phấn đấu đưa sản phẩm của làng trở thành thương hiệu.
Nghề trồng cây cảnh của Kim Mỹ manh nha cách đây khoảng chục năm. Thoạt đầu từ thú vui tao nhã của một số người, một số gia đình riêng lẻ sau đó cây cảnh dần trở thành một thứ cây trồng có giá trị hàng hoá, được cả làng ưa chuộng.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày một tăng cộng với hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ hoa màu (chủ yếu là lúa nước) sang trồng hoa, cây cảnh. Đến nay, cả làng có khoảng 70 - 80 hộ gia đình phát triển theo hướng này.
Để trồng hoa và cây cảnh trở thành một nghề thực thụ và là cây trồng chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng, thành phố đã có nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực như cho nông dân vay vốn để sản xuất, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây…
Cây cảnh làng Kim Mỹ
Theo đó, Hội nông dân thành phố Vinh đã cử cán bộ kỷ thuật tới tận địa phương để giảng dạy bà con những kiến thức cơ bản về chăm sóc, trồng hoa và cây cảnh. Tại những buổi học này, bà con được hướng dẫn cụ thể quy trình chăm sóc cây theo từng thời kỳ sinh trưởng, cách tưới tiêu, bón phân cũng như uốn, tách tạo dáng... Nhờ vậy, kết quả thu được rất khả quan.
Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Bình Phương - một người trồng cây cảnh cho biết: năm 2010 vừa qua, không kể những chi phí đầu tư thì gia đình ông có thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ việc trồng hoa, cây cảnh. Đây là một con số không nhỏ đối với người nông dân.
Được biết, vừa qua, Hội nông dân thành phố đã đầu tư 30 triệu đồng cho dân để làm thí điểm mô hình nhà lưới, trồng hoa trong chậu với các loại hoa cao cấp, cây Bonsai nhỏ, có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, tiết kiệm diện tích trồng lại hạn chế được phần nào hậu quả của thời tiết.
Mô hình này trong tương lai sẽ được nhân rộng, tạo hiệu quả lớn. Bên cạnh đó, hàng gốc với các loại cây như lộc vừng, mưng, si… cũng như một số loại như vạn tuế, hoàng yến, muồng… cũng được chú trọng. Sắp tới, làng chuẩn bị thành lập “Hội làm vườn”, trước mắt gồm 7 - 8 gia đình liên kết lại với nhau trong việc góp vốn đầu tư, trao đổi kinh nghiệm cũng như nơi tiêu thụ để mô hình hoa, cây cảnh phát triển hơn nữa.
Nhờ nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường cũng như nhận thấy được tính kinh tế mà loại hình sản xuất này mang lại, bà con Kim Mỹ đã thay đổi nếp canh tác cũ, chuyển từ thuần nông sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, thị trường.
Nếu 5 năm trước, diện tích bao phủ chủ yếu bởi những loại cây hoa màu, có nơi đất trống, cỏ mọc um tùm thả trâu bò vào đó thì nay về Kim Mỹ, ta thấy mảnh đất này đang dậy một “mùi hương mới” từ đất trong sản xuất nông nghiệp. Toàn thể nhân dân Kim Mỹ đang phấn đấu học hỏi, trau dồi kiến thức trong việc phát triển mô hình hoa, cây cảnh để đưa làng mình từ làng có nghề trở thành làng nghề trong một tương lai gần nhất.