Đây là hướng dẫn tại Quyết định hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016 vừa được Thủ tướng ký ban hành.
Người ứng cử phải không tham nhũng
Theo Quyết định, thẩm quyền dự kiến cơ cấu thành phần đại biểu HĐND các cấp là Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) cùng cấp theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003.
|
Người dân kỳ vọng chọn được đại biểu HĐND luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (Ảnh: vovnews.vn) |
Căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính để dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp phù hợp ở mỗi địa phương theo định hướng: Đại biểu trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%; Đại biểu là phụ nữ đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên; Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10%.
Đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sẽ được tăng thêm 1 Phó trưởng ban chuyên trách tại các ban của HĐND cấp tỉnh.
Người được giới thiệu ứng cử HĐND phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân, không tham nhũng, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu việc dự kiến và định hướng cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất trong công tác cán bộ.
Hà Nội và các tỉnh trên 3 triệu dân bầu không quá 95 đại biểu HĐND
Cũng theo Quyết định, Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp căn cứ dân số của từng đơn vị hành chính đến ngày 31/12/2010, ấn định số lượng đại biểu HĐND cấp mình theo quy định.
Theo đó, xã, thị trấn miền xuôi có từ 4.000 người trở xuống thì được bầu 25 đại biểu. Nếu có trên 4.000 người thì cứ thêm 2.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;
Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ 2.000 – 3.000 người được bầu 25 đại biểu. Nếu trên 3.000 người thì cứ thêm 1.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu. Trường hợp xã, thị trấn có từ 1.000 đến dưới 2.000 người được bầu 19 đại biểu và nếu dưới 1.000 người thì bầu 15 đại biểu;
Phường có từ 8.000 trở xuống được bầu 25 đại biểu. Nếu trên 8.000 thì cứ thêm 4.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu. HĐND cấp huyện không quá 40 đại biểu.
Quyết định cũng nêu rõ, HĐND cấp huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh được bầu không quá 40 đại biểu.
Trong đó, huyện miền xuôi và quận có từ 80.000 người trở xuống, được bầu 30 đại biểu. Nếu có trên 80.000 người thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu;
Huyện miền núi và hải đảo có từ 40.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu trên 40.000 người, cứ thêm 5.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;
Thị xã có từ 70.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu nhiều hơn thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu;
TP thuộc tỉnh có từ 100.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu có trên 100.000 người thì cứ thêm 10.000 người sẽ được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu.
Tuy nhiên, nếu các huyện, quận… này có từ 30 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên thì được bầu trên 40 đại biểu HĐND. Số lượng cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu cụ thể số lượng đại biểu HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, theo đó, tỉnh miền xuôi và TP trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu người trở xuống được bầu 50 đại biểu. Nếu có trên 1 triệu người thì cứ thêm 50.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu;
Tỉnh miền núi có từ 500.000 người trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu;
Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác có trên 3 triệu người được bầu không quá 95 đại biểu HĐND.
Trần Vũ