Chúng tôi đến nhà khi ông đang sáng tác và biên tập thơ cho Câu lạc bộ thơ Nam Đàn. Những vần thơ mượt mà, êm dịu, nhưng khúc triết, sâu lắng, cũng như cuộc đời và tâm huyết của ông dành cho thơ vậy.
10 năm bị mù, 10 năm không thấy ánh sáng, cũng là tròn 1 thập kỉ, ông kiên trì dệt nên những tác phẩm thơ có giá trị cho đời. Ông là Lê Đình Sơn, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
Sau khi hoàn thành chương trình học đại học, từ năm 1965 -2002, ông Lê Đình Sơn làm giảng viên khoa Văn trường Đại học Vinh. Tuy nhiên, đến năm 2000, mắt ông từ bình thường chuyển sang mờ hẳn, rồi hỏng hoàn toàn. Đi khám, bác sĩ kết luận là bong võng mạc.
Vợ chồng nhà giáo, nhà thơ Lê Đình Sơn
Từ đó, cuộc đời ông chuyển sang một ngã rẽ khác. Khỏi phải nói tâm trạng buồn chán, thất vọng của ông vào giai đoạn ấy. Làm gì và sinh hoạt như thế nào đây, khi hai mắt đã không còn như xưa? Câu hỏi ấy cứ day dứt ông mãi. Nhất là khi niềm đam mê thơ, nghiên cứu văn học vẫn còn cháy bỏng trong ông. Không khuất phục hoàn cảnh, ông vẫn tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình.
Làm việc, mù hai mắt, ông cần một người “thư ký” riêng, để mỗi khi có cảm xúc, sẽ ghi lại những tác phẩm đó. Và người “thư ký” trung thành của ông trong suốt 10 năm qua, chính là người vợ thảo hiền, bà Nguyễn Thị Thuận.
Bất cứ lúc nào, thậm chí là đêm khuya, khi 2-3h sáng, ngay khi ông có cảm hứng thơ, ông luôn gọi bà dậy để ghi lại. Nói về “công việc thư ký” của mình, bà Thuận chia sẻ: “Nhiều khi cũng có chút cau mày, bực mình với ông. Làm cơm, nấu nướng, lại lo việc của khối xóm, đủ thứ việc. Nhưng vì niềm đam mê thơ của ông ấy, nên lại thôi”.
Và đến nay, nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của vợ, ông đã cho in 5 cuốn sách nghiên cứu và bình luận lí luận văn học, 4 tập thơ Đường, sáng tác hơn 1000 bài thơ. Vinh dự hơn, ông cũng đã đạt nhiều giải thưởng về sáng tác thơ như:
Giải nhì cuộc thi viết về đề tài Thương binh liệt sĩ do Hội văn học nghệ thuật Nghệ An tổ chức, giải khuyến khích của Hội VH- NT Nghệ An (năm 2005) cho tập “Từ trong bình cũ”, giải nhì của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An cho tập “Sóng đài nâng cánh ước mơ”…
Ông Sơn chia sẻ: “Mình làm thơ, đơn giản để thỏa mãn niềm đam mê và sở thích, cũng không nghĩ đến lợi ích kinh tế nhiều. Trong suốt 10 năm qua, mình vẫn luôn thầm cảm ơn người vợ hiền, đã không quản ngại khó khăn để giúp mình thực hiện đến cùng đam mê ấy”…
Tác giả bài viết xin được kết bài bằng những sáng tác riêng của ông về bà Thuận - người vợ hiền đã cùng ông cần mẫn tạo những vần thơ sâu lắng, da diết. Và có lẽ, theo tôi, đó là những vần thơ đẹp nhất trong cuộc đời ông:
“Thương em khuya sớm vì anh
Văn chương cái nợ sao đành buông xuôi
Mắt anh – thăm thẳm tối trời
Có em thư kí cho đời anh vui”.