Con cháu họ Nguyễn Văn dù ở nơi đâu, làm việc gì vẫn luôn hướng về cội nguồn xây đắp cho truyền thống dòng họ, quê hương ngày càng rạng rỡ, xứng đáng với các bậc tiền nhân
Xã Thanh Lâm thuộc vùng hạ huyện Thanh Chương Nghệ An. Nơi đây từ xa xưa đã nhiều dòng họ sinh cơ lập nghiệp, tạo nên một cộng đồng dân cư đoàn kết vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương ngày càng phát triển trên con đường giàu mạnh. Trong đó có dòng họ Nguyễn Văn mà bà con thường gọi là họ Nguyễn Côn đã có những đóng góp trên nhiều mặt.
Điều đáng mừng là gần 500 năm qua, các thế hệ con cháu dòng họ đã góp phần cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống tốt đẹp như: Yên nước và cách mạng, hiếu học và học giỏi, giàu tính nhân văn, đoàn kết trong cộng đồng... được các bậc tiền nhân và con cháu phát huy luôn tô thắm truyền thống dòng họ.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Côn
Sau khi đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão - Tự Đức 20 (1867), cụ Nguyễn Tiếp Phương được vua Hàm Nghi phong chức "tham biện quân vụ, sung phó sứ sơn phòng" cùng với nghĩa quân Phan Đình Phùng trấn giữ vùng đất Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 30 tuổi, ông Nguyễn Văn Chính đỗ Giải nguyên khoa Nhâm Tý - Duy Tân 6 (1912) đã tìm đường qua Thái Lan để liên lạc với những sĩ phu yêu nước mong có dịp trở về giúp đồng bào cứu nước thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang. Sự việc không thành, ông đã từ chối ghế quan trường trở về quê dạy học cho con cháu và bà con quê hương.
Tinh thần yêu nước, thương dân của ông đã ảnh hưởng đến con cháu trong gia đình và dòng họ, nhờ vậy mà năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nhiều người trong dòng họ đã tích cực tham gia cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhà thờ họ đã trở thành trụ sở sinh hoạt của Chi bộ Đảng vào những năm 1930 - 1931.
Bà Nguyễn Thị Kỳ con gái Giải nguyên Nguyễn Văn Chính đã được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nguyễn Côn sau khi giải thoát khỏi nhà lao thực dân Pháp đã tham gia giành chính quyền ở huyện Thanh Chương và giữ chức Chủ tịch UBND huyện.
Một năm sau ông và người mự của ông là bà Tôn Thị Quế (em dâu ông Nguyễn Văn Chính) đã được bầu vào Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đã từng giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch Nhà nước và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng vì những đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hỷ làm Chủ tịch đầu tiên của xã Thanh Lâm và là người có công vận động các con cháu trong họ và nhân dân xây dựng ngôi trường tiểu học kiên cố đầu tiên của xã và tổng Bích Hào ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông Nguyễn Văn Thiện tự lấy ruộng nhà mình đào ao gọi là "nghiên" đắp gò gọi là "bút". Nghiên bút đã trở thành biểu tượng hiếu học của thôn Liễn Nhà, xã Thanh Lâm.
Nhiều lớp học quốc ngữ được ông tổ chức ở địa phương theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm ngay sau khi nước nhà độc lập. Từ đó tới nay con cháu dòng họ nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, trừ các bậc tiền bối đã đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến thì từ sau Cách mạng Tháng Tám lại nay đã có hơn 300 người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân.
Nhiều cháu đang du học ở nước ngoài. Những năm gần đây năm nào cũng có nhiều cháu đỗ đại học và cao đẳng. Dòng họ có quỹ khuyến học và đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của xã, của thôn để khen thưởng động viên con cháu chăm ngoan học giỏi.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bắt đầu, con cháu trong dòng họ sẵn sàng nhập ngũ như: Nguyễn Cận, Nguyễn Bá, Nguyễn Dung... sau này đã trở thành những sĩ quan cao cấp trong quân đội. Tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp con em trong dòng họ lại lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp vẻ vang ấy.
Nhà thờ, vườn tược của nhiều gia đình trong dòng họ đã trở thành nơi cất dấu vũ khí, lương thực, quân nhu, thuốc men nuôi dưỡng và bảo vệ các đơn vị bộ đội hành quân ra chiến trường diệt giặc. Nhiều người trong dòng họ đã trở thành những cán bộ cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội, đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng.
Trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, con cháu dòng họ luôn đi đầu trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa ", “giúp đỡ người có công với cách mạng", “xoá đói giảm nghèo", "lá lành đùm lá rách", "giúp đỡ các địa phương gặp thiên tai hoạn nạn", "trái tim cho em"...
Con cháu đã giúp nhau cùng với bà con địa phương các dòng họ khác biến hàng vạn ha đồi trọc thành rừng xanh bạt ngàn, những trang trại màu mỡ, những ao hồ đầy cá... Có người hàng năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Có trang trại có giá trị trên vài tỷ đồng.
Được đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá là niềm tự hào của dòng họ và của quê hương. Con cháu họ Nguyễn Văn dù ở nơi đâu, làm việc gì vẫn luôn hướng về cội nguồn xây đắp cho truyền thống dòng họ, quê hương ngày càng rạng rỡ, xứng đáng với các bậc tiền nhân, làm cho hậu thế mãi mãi vững vàng bước tiếp con đường mà cha ông đã bao đời xây đắp.
Nguyễn Minh Châu- Congannghean.vn