NSND Đặng Thái Sơn trở về Hà Nội tham gia biểu diễn trong đêm hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai đêm 1/10, mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long. Anh có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, với nhiều cảm xúc, trăn trở.
NSND Đặng Thái Sơn rất mệt sau những ngày tập luyện cho đêm
hòa nhạc chào mừng đại lễ, đã phải uống thuốc (với sự giúp đỡ của chị gái-
NSND Trần Thu Hà) trước khi có cuộc trò chuyện với phóng viên.
Tham gia chương trình hòa nhạc Hội nhập quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai đêm ngày 1/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long, cảm xúc của anh có gì đặc biệt?
Tôi rất vinh dự khi được tham gia chương trình hòa nhạc khai mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tôi là người sinh ra ở Hà Nội. Về Hà Nội trong không khí chào đón 1000 năm, tôi rất vui. Lịch sử 1000 năm mới có một lần như thế này, tôi nghĩ, mình là người may mắn.
Đêm hòa nhạc diễn ra ấm cúng trong không khí chào mừng tưng bừng, tôi thấy mình chơi đàn với tâm trạng rất khác.
NSND Đặng Thái Sơn trở về Hà Nội lần này với tâm trạng rất khác.
Đứng trước Hà Nội bây giờ là Đặng Thái Sơn vừa nhập thêm quốc tịch Canada. Anh biểu diễn trong đêm hòa nhạc Hội nhập quốc tế chào mừng đại lễ 1000 năm với vị thế của một công dân quốc tế, hay với vị thế của một người Hà Nội?
Tất nhiên là người Hà Nội. Tôi vẫn luôn luôn là một công dân Việt Nam. Tôi là một trong những trường hợp đặc biệt dưới thời thủ tướng Phạm Văn Đồng được phép giữ 2 quốc tịch. Việc nhập quốc tịch nước ngoài chỉ để tiện cho việc xin cấp visa đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Tôi mãi mãi giữ quốc tịch Việt Nam và là người Việt Nam. Người Việt dù ở đâu, làm gì, cũng là người Việt.
Thực ra, Hà Nội cũng rất vui khi được chào đón một nghệ sỹ có tiếng trên thế giới như Đặng Thái Sơn đến biểu diễn nhân dịp này...
Nếu nói đến vị trí của tôi ở quốc tế, đó lại là chuyện khác. Tôi lấy ví dụ như trong thể thao chẳng hạn, nếu chúng ta mãi mãi chỉ thi đấu trong nước với nhau, sẽ chẳng bao giờ tốt hơn được. Phải ra nước người thi đấu, lúc ấy mới biết khó như thế nào, và biết sức mình đến đâu. Việt Nam cần có những đại diện của mình ở nước ngoài.
Nhân đây cũng muốn nói đến “sự kiện” GS Ngô Bảo Châu vừa đoạt giải Fields trong toán học đã làm rạng danh nền toán học VN. Có người nói, những người như GS Ngô Bảo Châu, NSND Đặng Thái Sơn... đã trở thành những tài năng, nhờ thế giới. Theo anh, liệu có thể xem đó là nỗi buồn cho nền giáo dục VN?
Bản thân tôi khi đọc những thông tin về GS Ngô Bảo Châu cũng cảm thấy rất sung sướng. Nhưng, nếu không có cái gốc (là những gì học được Việt Nam) cả tôi và Ngô Bảo Châu đều không thể được vào học ở những trường quốc tế. Tôi cũng từng học ở nhạc viện Hà Nội (bây giờ là Học viện âm nhạc Quốc gia). Nếu không có những nốt nhạc đầu tiên, không có những cái gốc đầu tiên, làm sao tôi được nhận vào học ở Học viện âm nhạc Traicopxki? Ngô Bảo Châu cũng vậy. Đó là những nền tảng đã chắp cánh cho chúng tôi bay xa. Không bao giờ được phủ nhận những cái gốc mình đã có.
Còn tất nhiên, nếu không được học ở các trường danh tiếng trên thế giới, chúng tôi không có được những gì đã có. Những năm tôi học ở nhạc viện là những năm 1975- 1976, đất nước vừa qua chiến tranh, làm sao có thể so sánh được. Chẳng cứ ở Việt Nam, nhiều danh nhân âm nhạc của Nhật, của Trung Quốc cũng có được đào tạo trong nước đâu? Hầu hết đều sang châu Âu học và thành tài. Đó là xu thế của thời đại, không có gì đặc biệt.
Theo anh, vị thế của một cá nhân trước quốc tế có ý nghĩa như thế nào với vị thế của một quốc gia?
Quốc tế sẽ nhắc đến Việt Nam nhiều hơn, và biết đến chúng ta nhiều hơn. Trên thế giới, có nhiều người vẫn chỉ biết đến Việt Nam qua 2 cuộc chiến tranh. Nhưng cũng phải khẳng định, trước đây, khi ở trong nước, tôi cũng không biết được rằng, 2 cuộc chiến chống Pháp - Mỹ của chúng ta lừng lẫy với thế giới đến vậy. Phải ra đến nước ngoài mới thấy, với thế giới, 2 cuộc chiến của chúng ta thực sự ghê gớm, thực sự lừng lẫy.
Nhưng, bao nhiêu năm đã trôi qua, họ vẫn chỉ nhớ đến VN qua chiến tranh. Thế hệ chúng ta cần phải thay đổi cái nhìn ấy của thế giới, để họ thấy rằng, ngoài chiến tranh, chúng ta còn có những tài năng khác, những đỉnh cao khác.
Thành tựu của tất cả các ngành nghề đều đáng tự hào, và đều góp phần thay đổi cái nhìn của thế giới về Việt Nam.
Câu hỏi cuối cùng, xin hỏi riêng tư một chút. Ở tuổi này, được biết, anh vẫn một mình... Với nhiều nghệ sỹ, âm nhạc là nghiệp gia truyền. Anh có buồn khi mình không thể dạy những nốt nhạc đầu tiên, những cái gốc ban đầu, để con cái anh tiếp tục từ cái tên Đặng Thái Sơn mà vươn xa?
Đó là một sự lựa chọn. Khi đã lao vào nghệ thuật, không thể cầu toàn được. Trời đất đã cho tôi nhiều may mắn. Không ai có thể có được mọi thứ, chỉ được một phần thôi. Quan trọng nhất là, cuộc sống riêng tư được tự do theo ý mình. Tự do rất quan trọng, và mình hài lòng về điều đó, là được.
Bài và ảnh: H.H - Báo dân trí