| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 17,254
Tất cả: 99,752,777
 
 
Bản in
Kênh nhà Lê trên đất Nghệ An: Sông Vinh - Lam Giang
Tin đăng ngày: 8/7/2010 - Xem: 11379
 

Kênh Nhà Lê đi qua địa phận cuối cùng trên đất Nghệ An chính là một phần nhánh kênh Đích, Sông Vinh nối liền Cấm Giang với Lam Giang. Với hệ thống kênh này, một vùng trên bến dưới thuyền đã làm cho chợ Vinh bên Sông Vinh trở thành trung tâm buôn bán, thương mại, tạo nền tảng cho một Thành phố Vinh sầm uất hôm nay.

 

Sông Lam

 

Sông Vinh còn có tên gọi là sông Cồn Mộc, sông Cửa Tiền vì sông chảy qua trước mặt Cửa Tiền thành Nghệ An. Sông Vinh cũng là nguồn nước cung cấp cho hệ thống kênh hào bảo vệ quanh thành.

 

Thành cổ Nghệ An thuộc địa phận ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo Sử sách chép lại: Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1804 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1931, vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô băng. Vô băng là tên một tướng Pháp có sáng kiến thiết kế kiểu thành này. Thành có 6 cạnh, diện tích: 420.000m2, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng, sâu 8 thước ta. Lúc khởi công, Triều đình nhà Nguyễn đã phải huy động đến 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An tham gia xây dựng thành. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

 

Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để Vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa Hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông Hành cung có dinh Thống Đốc, phía nam có dinh Bố Chánh và án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.

 

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự phá hoại của chiến tranh và thời gian, di tích Thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã khôi phục, trùng tu lại 2/3 cổng thành đồng thời cải tạo một số khu vực quanh thành thành các khu tham quan, vui chơi giải trí của nhân dân và một công viên gọi tên là Công viên Thành cổ Vinh.

 

Thành cổ Vinh

 

Sông Vinh chạy vòng phía sau chợ Vinh, chạy men theo đường ven sông Lam, rồi qua các phường xã thành phố Vinh là Hưng Thịnh, Vinh Tân, Trung Đô, đổ nước ra sông Lam ở ngã ba Yên Lạc, còn gọi là ngã ba Mỏ Hạc, cách cầu Bến Thủy 2km. Ngã ba Mỏ Hạc là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười. Do con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, vùng đất này có hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt vời. Đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Vì vậy, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền Hoàng Mười. Có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".

 

Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 2 km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 thời hậu Lê. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười. Làng Xuân Am, quê và cũng là nơi thờ ông Hoàng Mười trước đây gọi là Âm Công, cuối thời nhà Nguyễn thì đổi tên thành xã Yên Pháp thuộc huyện Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thịnh, TP Vinh.

 

Truyền thuyết kể rằng, ông Hoàng Mười quê ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên. Ngài là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên. Âm Công là một trận nghi binh làm voi giả, chiến thuyền giả. Ngài kéo quân đánh tập hậu, tả xung hữu đột làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài đã bị thương nặng, chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Triều đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công - quê hương Ngài để tưởng nhớ công ơn.

 

Ông Hoàng Mười được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh "Đức thánh minh", là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu tứ phủ ở Việt Nam. Tương truyền, theo sự phân công của Vua cha là Long thần Bát Hải Đại Vương và đệ nhất thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa, ông Hoàng Mười được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ. Quan Hoàng Mười là một người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó.

 

Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, ly, quy, phượng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.

 

Di tích đền ông Hoàng Mười còn có giá trị địa lý, cảnh quan lý tưởng, rất hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông và thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Di tích toạ lạc trên vùng đắc địa, rất "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, phía trước là dòng Lam, dòng Mộc, dòng sông Vĩnh uốn lượn. Đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Thật sự là nơi: "Thánh nhân nghe được sự tâu bày của chúng sinh nhiều hơn trong không gian êm ả tụ linh này".

 

Đền ông Hoàng Mười hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt có 21 đạo sắc, bản thần tích những tài liệu hán tự, hệ thống tượng pháp... Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hoá. Đền có hai kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 Âm lịch - lễ hội khai điểm - và ngày Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười 10/10 Âm lịch.

 

Sông Vinh đi qua địa phận Trung Đô là một địa danh nổi tiếng của Thành Phố Vinh gồm có Thành Phượng Hoàng Trung Đô, đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết.

 

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752 - 1792) xây dựng bên dòng Sông Lam và núi Dũng Quyết. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quan Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim trong truyền thuyết.

 

Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát. Trong “Hoàng Lê nhất thống chí” hồi thứ 15, có viết: “Vua Quang Trung cho rằng trấn Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói, để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Thành này được gọi là Phượng Hoàng trung đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành (thành này Quang Trung định lập làm nơi đóng đô nên mới gọi là "trung đô" hoặc "trung kinh"; còn tên "Phượng Hoàng" là gọi theo tên ngọn núi ở chỗ xây dựng thành, tức núi Quyết cạnh đường Bến Thuỷ bây giờ"

 

Năm 1788, Quang Trung giao cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đến vùng Yên Trường thị sát chọn vùng đất giữa núi Quyết và núi con Mèo - Kỳ lân vì thấy nơi đây là đất "thiêng" hội tụ đầy đủ bốn con vật thiêng mà cha ông đã ngàn đời tôn vinh thờ cúng là: Long - Ly - Quy - Phượng để xây thành gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Kinh đô ở Yên Trường tuy còn sơ sài nhưng thực sự đã được xây dựng. Lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đô.

 

Phượng Hoàng Trung Đô được xây ở khoảng giữa núi Quyết và núi Kỳ Lân, nay còn dấu tích của thành hình tam giác. Đó là thành nội, chu vi 1.680m giữa có lầu rồng ba tầng. Thành ngoại cấu tạo hình thang, chu vi 2.820m. Phía ngoài có hào rộng 3 m, sâu 3 m, thành cao 3-4 m. Trong thành nội có toà lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái hoà dùng cho việc thiết triều.

 

Sách La Sơn phu tử nói rõ thêm: Núi Mèo (tức Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chấp vào núi ấy. Mặt đông bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành. Cũng theo sách La Sơn phu tử, về kích thước của thành Ngoại, ngoài các vách núi làm bức luỹ tự nhiên, còn phải đắp bờ thành nam dài 300 m, bờ thành tây dài 450 m. Bề đứng ở những đoạn phải đắp cũng rất cao vì để hài hoà với vách núi.

 

Từ trên thành có thể nhìn thấy sông Lam, sông Vĩnh Doanh và kênh nhà Lê uốn lượn giữa cánh đồng Hưng Nguyên, Nam Đàn trải rộng. Hướng về phía đông có thể dõi về hòn Ngư, hòn Mt, cận kề với tám cảnh đẹp của Nghi Xuân (Nghi Xuân bát cảnh).

 

Từ chân núi Quyết, du khách có thể đi thuyền xuôi sông Lam đến bãi chim Hưng Hoà, đi tiếp là Cửa Hội, bãi tắm Cửa Lò, hoặc đi ngược dòng Lam đến các thắng cảnh nổi tiếng đậm sắc văn hoá của miền tây Xứ Nghệ.

 

Núi Dũng Quyết còn gọi là núi Phượng Hoàng. Núi Quyết vốn có thế "long ly quy phượng" nhưng nó thật sự có vị trí nổi bật khi Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm đất đóng đô.

 

Trên núi Dũng Quyết là Khu đền thờ Vua Quang Trung. Đây thật sự là một di tích hoành tráng, thu hút du khách. Có thể đi bằng ô tô chạy theo đường rải nhựa lên đến đỉnh núi Quyết để viếng thăm đền thờ vị anh hùng dân tộc, nghỉ ngơi dưới vòm thông xanh non, đón gió sông Lam và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.

 

 
 Đền thờ Vua Quang Trung

 

Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản...

 

Đền có hai lối ra vào ở hai bên, chính giữa là nghi môn ngoại (Nghi môn tứ trụ) được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái theo Dịch học. Tiếp đó là bình phong tứ trụ được dựng ngay trên trục chính đạo, được làm bằng đá chạm trổ rất công phu và đẹp. Hai bên bình phong khắc triện gấm, ở giữa là cuốn thư, trung tâm có hai chữ Thọ Đế. Phía trên nữa là hình rồng chầu mặt nguyệt. Dưới cùng là chân quỳ dạ cá, chạm hổ phù. Hai bên có hai con nghê đứng chầu, tượng trưng cho vai trò người bảo vệ kiểm soát linh hồn người ra vào.

 

Qua bình phong tứ trụ là hai nhà bia ngoảnh mặt vào nhau song song với trục chính đạo. Nhà bia phía bên trái khắc bài “Công trạng vua Quang Trung”, nhà bia bên phải khắc bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”.

 

Qua khu vực này là nhà bái đường rộng lớn còn gọi là tiền đường, nơi để sửa soạn lễ, chỉnh trang trước khi hành lễ. Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến thúc dân gian Việt Nam gồm ba gian hai chái, với bốn hàng cột.

 

Các khu nhà hậu đường, nghi môn đều có kiến trúc hai tầng, tám mái, các đỉnh, góc mái chạm hình rồng phượng uốn cong tạo nên thế uy nghiêm. Với lối kiến trúc uy nghi, bề thế, là công trình mang tính đặc thù văn hóa - tâm linh, đền thờ vua Quang Trung sẽ là một điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn cho du khách bốn phương.

 

Sông Vinh đã trải qua nghìn năm gắn bó với biết bao dấu ấn, sự kiện lịch sử, văn hóa và sự hình thành phát triển của đô thị Vinh. Bởi vậy, đầu tư làm đẹp cho Sông Vinh cũng là xây dựng thêm một tuyến du lịch sinh thái trong lòng đô thị Vinh trên dòng sông lịch sử này. Qua đất Nghệ An, kênh nhà Lê thông với sông Lam và kết nối các con sông khác của tỉnh Hà Tĩnh qua một hệ thống kênh mạng lưới khác, tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình góp phần phát triển nền nông nghiệp vùng An – Tĩnh thêm giàu đẹp, trù phú.   

 

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, trên đất Nghệ An, nhiều đoạn kênh Nhà Lê đã bị bồi lấp và hiện nay nhiều nơi đang có nguy cơ biến mất do sự thờ ơ của con người. Sự thay đổi hay tồn tại của dòng kênh huyền thoại này phụ thuộc rất nhiều vào sự bảo tồn, gìn giữ của thế hệ hôm nay.

 

Cùng với kênh nhà Lê, quần thể những điểm di tích, tham quan kỳ thú ở các miền quê như Đền Cờn, Hòn Câu, Kênh Sắt - Thiết Cảng, núi Mộ Dạ, Đền Cuông, Bãi Lữ, Cửa Hiền, đền vua Quang Trung, du thuyền trên Sông Lam… đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách đến với vẻ đẹp của quê hương xứ Nghệ.

(Việt Anh) - Truyenhinhnghean.vn

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Lịch sử Thành phố Vinh:
Một dòng chảy của Lịch sử đô thị Vinh (7/2/2022)
Thanh niên Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh: Dốc một lòng dũng cảm, quyết một chí hy sinh (10/9/2021)
Tên gọi thành phố Vinh bắt nguồn từ đâu? (22/5/2021)
Nghệ An - Hành trình gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng (22/10/2020)
Người thợ kim hoàn nức tiếng phố Vinh và tình yêu với Bác Hồ (16/4/2020)
Nhà cách mạng Siêu Hải: Dâng trọn thanh xuân cho cách mạng (27/3/2020)
Để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh Bến Thủy (7/9/2019)
Những hình ảnh quý hiếm về cảng Bến Thủy sầm uất gần một thế kỷ trước (6/9/2019)
Những hình ảnh ấn tượng vượt thời gian về vùng đất Bến Thủy (28/8/2019)
Những sắc hoa đón hè cùng thành phố (31/5/2018)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: [email protected]
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website