Trong số 6 thành phố đô thị loại một trực thuộc tỉnh trong cả nước, có lẽ thị dân Vinh thuộc loại khó định hình nhất quán một tính cách "người Vinh".
Có lẽ chăng bởi Vinh là một kẻ chợ tuổi hình thành chưa lâu, khởi sinh từ một địa giới hành chính nhỏ kể từ hơn 110 năm trước khi vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh.
Và cư dân vùng Vinh xưa là dân gốc thời còn tên gọi Kẻ Ván trải biến thiên lịch tứ tán đi nhiều và số ít co cụm lại trong những họ tộc nhỏ, hoặc ít ỏi những gia đình ba bốn đời mà nay thậm chí không xác định được vốn bản quán là ở đâu, cụ kỵ tổ tiên là ai.
|
Một bức ảnh chụp "người Vinh" của nhiếp ảnh gia nước ngoài vào những năm 1930. Ảnh: tư liệu |
Đồng thời, với tốc độ phát triển nhanh chóng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và nhất là sau năm 1975, người của mọi vùng miền trong tỉnh và cả nước "du nhập" vào Vinh bằng nhiều cách, nhiều lý do; kể cả mới đây thêm các địa phương của các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc nhập vào theo quy hoạch Vinh mở rộng mới; thì Vinh đã hoà trộn, "thêm thắt" nhiều nét văn hoá, nếp nông thôn của các vùng miền để lại càng khó việc "gọi" ra được một tính cách "người Vinh".
Lớp trước, nghĩa là thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên ở tâm điểm phố thị Vinh bây giờ thuộc U70, U80 còn lại rất ít; có thể phân ra xuất thân từ các giới: lao động nông nghiệp, thợ thuyền, giới chủ tiểu thủ công và buôn bán nhỏ, giới trí thức.
Thế hệ này, tuỳ theo hoàn cảnh sống, công việc, nhận thức xã hội, ít nhiều vẫn gắng giữ lại nếp nhà; nhưng cơ bản họ sống khép kín, nếu không nói là bàng quan với nhịp phát triển mới sôi động của thành phố, nên cũng không khắc hoạ được một nét đặc trưng "người Vinh" nào trong sinh hoạt và giao lưu xã hội.
Trẻ hơn, sinh ra và lớn lên ở Vinh từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước, vẫn có quyền tự hào là "dân Vinh", nhưng một phần do bố mẹ họ là thế hệ bắt đầu du cư vào Vinh, phần họ được sinh ra trong hoàn cảnh Vinh tiêu thổ chiến tranh, nên ở họ cũng thiếu hẳn ý thức tự tôn đại diện cho một thế hệ thị dân Vinh mới, mà còn nhanh chóng tiếp nhận, hoà nhập lối sống pha trộn một cách thụ động và trong căn cốt vẫn bộc lộ rõ ý thức hệ nông thôn, quê quán vùng miền gốc riêng vốn phần lớn không phải là cư dân Vinh gốc xưa.
Trong đời sống đô thị Vinh hôm nay, dễ bắt gặp bất cứ đâu câu hỏi giao tiếp: "Ông (bà - anh - chị.v.v...) người ở mô?". Nghĩa là chỉ cần hỏi thế người được hỏi đều ngay lập tức hiểu, trả lời mình người quê huyện nào, tỉnh nào; dù người được hỏi là các bậc hưu trí, cán bộ lãnh đạo, hay doanh nhân, bộ đội, công an, trí thức, công nhân lao động...
Đến cả lứa tuổi học sinh bây giờ, dù là thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra và lớn lên ở Vinh cũng đều nhận thức rất rõ, biết rất rõ quê mình, gốc gác họ hàng nhà mình và đều không tự nhận mình là "người Vinh" một cách tự nhiên.
Như vậy, gần như khái niệm "người Vinh" chỉ để người ngoại tỉnh hiểu về một người có hộ khẩu thường trú từ Vinh đến, hay để người từ Vinh đến tự giới thiệu mình một cách đơn giản trong xã giao công việc hoặc quan hệ nhất thời. Khi để ca ngợi hay phê phán, người ngoại tỉnh đều chỉ gọi chung là "dân Nghệ An đấy!". Như vậy, dù có một bề dày lịch sử phố thị cỡ Đà Lạt, Nam Định, thì Vinh vẫn chưa tạo ra được một nét văn hoá, tính cách "người Vinh".
Lạm bàn vậy, vì Vinh đang hướng phát triển thành trung tâm phát triển của Bắc miền Trung. Tìm hiểu, chọn lọc lưu giữ, xây dựng và bồi đắp một nét văn hoá "người Vinh" phải chăng là việc nên làm cho một tương lai phát triển của thành phố mà rất cần một sức mạnh nội tại, trong đó có cả ý thức hệ tự tôn để khởi phát một giá trị sức mạnh tinh thần riêng.
Đình Sâm - Báo NA