Có khoảng 7 ngàn khán giả đến sân Thống Nhất (con số của BTC) để theo dõi trận derby xứ Nghệ giữa lòng Sài Gòn, nhưng phải đến 3/4 trong số đó đứng về phía SLNA. Sắc phục vàng phủ kín khán đài D và một số lượng đáng kể khác ở khán đài A, chuyển động và không ngừng hát. “Nơi đâu cũng là sân nhà” và đó là một buổi chiều đặc biệt.
Tinh thần đoàn kết của người Nghệ An là điều không phải bàn cãi, từ CĐV đến các cầu thủ. Sự thật là rất nhiều các cầu thủ trẻ xứ Nghệ khi được hỏi về khả năng đi - ở vào thời điểm mà hợp đồng đào tạo và cống hiến kết thúc, đều thống nhất một quan điểm: được đá cho đội bóng quê hương vẫn là nhất. Họ không muốn rời dòng sông Lam, không muốn xa thành Vinh cổ kính, từng được biết đến như pháo đài bất khả xâm phạm.
“Tiền quan trọng thật, nhưng nó không là tất cả. Ở Nghệ An chúng em được nhiều thứ hơn. Được chơi bóng trước các CĐV nhà là điều tuyệt vời. Ở đây, cuộc sống anh em – tập thể, những người đã gắn bó với nhau từ tấm bé, rất thiêng liêng”, tiền đạo Ngọc Anh phát biểu.
SLNA của Trọng Hoàng (trái) có thể trẻ về tuổi đời nhưng không hề non về tuổi nghề
Bản thân tiền đạo thất sủng Quốc Tuấn, hay trẻ hơn là Quang Tình, Âu Văn Hoàn, rồi Văn Bình, Trọng Hoàng…, cũng có chung cảm nghĩ này.
SLNA đang sở hữu bộ khung cầu thủ trẻ tài năng nhất của họ, kể từ sau thế hệ của những Văn Quyến, Như Thuật… Họ đã chơi bóng cạnh nhau, kề từ các giải thiếu niên nhi đồng, cho đến bây giờ. Văn Bình có thể chuyền như đặt cho Trọng Hoàng ghi bàn, mà không cần phải nhìn. Ở mùa giải năm ngoái, rất nhiều những tình huống như được lập trình sẵn như thế.
Người Nghệ An trẻ, nhưng không hề dễ “nuốt”. Nhiều đồng nghiệp đàn anh bên kia chiến tuyến, đã từng ôm hận khi đánh giá thấp họ. Chỉ có điều dưới thời HLV cũng rất trẻ, Nguyễn Hữu Thắng, SLNA đã chưa có cú hích thật sự nào về lối chơi cũng như điểm số. SLNA đã hòa 8/14 trận đấu kể từ đầu mùa, và đó bị cho là phí phạm. Hữu Thắng có phần quá cầu toàn, từ tiêu chí cho một trận đấu đến lối chơi.
THẢO NGUYÊN- TT&VH |