| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 520
Tất cả: 99,835,905
 
 
Bản in
Xích lô - Quanh chốn mưu sinh
Tin đăng ngày: 27/3/2020 - Xem: 1478
 
 
 

Trong các loại phương tiện giao thông thô sơ, có lẽ bánh của xe xích lô có đường kính lớn nhất, nhưng vòng quay và tốc độ của nó lại chậm nhất. Cũng phải thôi, chiếc xe 3 bánh chỉ có thể lăn được khi người điều khiển phải dồn tất cả sức mạnh cơ thể với mồ hôi và cả nước mắt. Cuộc sống hiện đại dù đã tạo ra những giá trị mới song vòng quay của bánh xe xích lô vẫn lần hồi lăn ở  đâu đó…

 
 

Còn nhớ, cách đây vài chục năm, nếu như một ai đó đến thành Vinh, được ngồi trên xích lô để “đi đây, đi đó”, dù một đoạn ngắn thôi là “oai” lắm. Nhưng nhiều năm nay, ở thành phố Vinh, những chiếc xích lô bị “lép vế” trước sự phát triển ồ ạt của xe đạp điện, xe máy, ô tô. Thế rồi, xích lô dần vắng bóng, dạt vào vài góc phố và một số khu chợ sầm uất. Thi thoảng, người ta bắt gặp một vài chiếc xích lô như oằn mình trên phố với hàng hóa cồng kềnh. Nghề đạp xích lô tưởng chừng đã là dĩ vãng, song vẫn có những người mải miết kiếm kế sinh nhai với loại phương tiện chạy bằng “mồ hôi” này.

 

Có lẽ ông Bùi Văn Năm ở khối 16, phường Hưng Bình là người đạp xích lô nhiều tuổi nhất và lâu năm nhất không chỉ tại thành phố Vinh mà còn cả nước. Năm nay đã gần 90 tuổi, thế nhưng hàng ngày, ông vẫn rong ruổi với chiếc xích lô chở hàng thuê trên địa bàn phường.

Trước đây, khi còn sung sức, ông chở hàng hóa khắp thành phố khi có khách yêu cầu. Nhưng nhiều năm nay, sức khỏe giảm sút, ông chỉ quẩn quanh ở khu vực phường nơi ông sinh sống, ai thuê “chở chi thì chở” và nhiều lúc hàng hóa nếu nặng quá cũng không dám nhận hoặc nhận rồi, kêu thêm ông bạn trong phường (cũng làm nghề đạp xích lô) cùng chở. Cuộc sống của ông Năm không hẳn thiếu đói vì con cháu đã lớn, tìm được việc làm, có thu nhập. Nhưng lao động với nghề đạp xích lô, với ông như một bản năng, mà theo ông “còn sức là còn đạp”. Bởi nghề này đã theo ông hàng chục năm qua…

 

Cùng ở phường Hưng Bình, ông Nguyễn Đình Văn cũng có “thâm niên” đạp xích lô hơn 40 năm. Khi còn rất trẻ, nghỉ học cấp 2 là ông tập tành theo nghề. Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, nghề xích lô rất phát triển ở phường Hưng Bình. Khi đó, khu vực bến xe Vinh (cũ), ga tàu luôn nhộn nhịp xích lô chở khách, chở hàng của “dân Hưng Bình”. Dần dà, với sự phát triển của nhiều loại phương tiện, xích lô dần bị lép vế, nhưng ông Năm, ông Văn cùng một số ít người vẫn gắn bó với nghề. Và xích lô cũng chỉ chở hàng hóa, chứ không còn chở người như hàng chục năm trước.

Dáng người thấp đậm, nhưng ông Năm có sức khỏe “trời phú”. Năm nay 65 tuổi, ông Năm vẫn có thể đạp xích lô chở được đến 4 tạ hàng hóa. Dù vậy, ông chia sẻ, giờ không còn chở được nhiều và cũng không thể đạp đi xa nữa, phạm vi hoạt động thu hẹp trong vòng vài km. Gặp ông sau khi hạ chuyến hàng hơn 3 tạ xi măng và cuộn thép cho khách, ông Văn vừa thở vừa nói: “Chú chụp ảnh mần chi, rầy lắm. Nghề này vất vả, nhưng mình không chuyển đổi được nghề khác, đành chịu khó chuyên chở, kiếm thêm thu nhập. Giờ, xương khớp tê nhức suốt nhưng cuộc sống chưa cho mình dừng đạp…”. Nói rồi, ông lại lên xe, vặn mình đạp, điều khiển chiếc xích lô hòa vào dòng xe cộ hiện đại của khu phố. Chắc ông đi kiếm thêm “cuốc” nữa…

 

Hầu hết những người đạp xích lô ở Vinh đều đã cao tuổi. Và bất kỳ ai trong họ cũng bị bệnh nghề nghiệp là đau xương khớp. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi) ở phường Trung Đô: “Bình thường nhiều người không đạp xích lô cũng đau xương khớp, huống hồ chi chúng tôi. Dừ, thấy đang làm được thì đưa xe ra. Nhưng nhiều hôm đau xương quá đành từ chối khách hàng, đỡ lại chờ ai đó gọi…”.

Ở khu vực chợ Vinh, anh Phan Văn Nghĩa là một trong những người chuyên chở hàng hóa bằng xích lô. Tiểu thương vùng này khi cần ới là anh nhận ngay. Bởi anh là một trong những người trẻ khỏe dấn thân vào nghề này, sự nhiệt tình của anh được mọi người ghi nhận. Năm nay 38 tuổi, với anh Nghĩa, “mình cảm thấy nghề này phù hợp, đang có sức khỏe, bà con cần, mình nhận làm, có thêm thu nhập…”.

Có lẽ, anh Nghĩa là người trẻ nhất trong đội ngũ những người hành nghề xích lô. Và thành phố Vinh ngày càng hiếm người trẻ dám chọn nghề đạp xe 3 bánh như anh. Nếu như thuở trước, có không ít gia đình cả nhà cùng hành nghề xích lô, nhưng nay mọi thứ đã khác. Họ chọn nghề cơ khí, nghề điện, may mặc, buôn bán nhỏ, hoặc nếu chọn công việc liên quan đến vận chuyển hành khách thì đó sẽ là lái taxi, chạy xe máy lai, tham gia Grab… Đó thực tế là một xu thế khách quan.

 

Cũng bởi xu thế phát triển ấy, ở thành phố Vinh, từ lâu xích lô không còn chở khách. Và cũng không thể hình thành loại hình xích lô ô vàng, lọng đỏ phục vụ khách du lịch như: Hội An, Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Ngay đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, xích lô đang bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải cơ giới như: xe thồ máy, xe kéo gắn sau xe máy hay xe tải nhỏ…

Chưa có thống kê cụ thể toàn thành phố Vinh hiện có bao nhiêu xích lô đang hoạt động nhưng chắc không vượt qua con số 150 cái. Nơi có nhiều xích lô hoạt động nhất có lẽ khu vực chợ Vinh, với khoảng 20 “bác tài” tập trung ở khu vực buôn bán hoa quả, tre nứa. Trong đó, rất nhiều hộ mua xích lô không phải làm dịch vụ mà để tự chuyển hàng cho gia đình mình trong khoảng cách vài trăm mét, khi có ô tô đổ hàng. Vì thế, đôi lúc, một ai đó muốn thuê một người đạp xích lô chở hàng ở Vinh phải “tìm đỏ mắt”.

Theo nhiều người làm nghề đạp xích lô, cách đây vài chục năm, một chiếc xích lô mới có giá 5-7 triệu đồng. Còn hiện tại, giá một chiếc xích lô mới khoảng 2-3 triệu đồng, nhưng không sẵn hàng; nếu tìm mua trong giới xích lô, một chiếc xe cũ còn sử dụng tốt có giá 800.000 – 1.200.000 đồng. Với mức giá đó, một lao động khỏe mạnh dễ dàng đầu tư mua sắm một chiếc xích lô để “khởi nghiệp”. Thế nhưng điều đó, hoàn toàn không xảy ra với lực lượng lao động trẻ. Bởi xu thế trong vòng quay cuộc sống hiện đại là họ có thể mua xe máy, ô tô chạy Grab…

 
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Tin thành phố Vinh:
Những tuyến đường hoa Tết rực rỡ ở thành Vinh (17/1/2023)
Cảnh sát giao thông TP Vinh xuyên đêm xử lý vi phạm nồng độ cồn (15/1/2023)
Nhiều tuyến đường ở TP. Vinh ách tắc cục bộ, CSGT căng mình điều tiết (14/1/2023)
Thành phố Vinh: Chất thải nguy hại chỉ được vận chuyển từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau (12/1/2023)
TP. Vinh tập trung chỉnh trang đô thị đón Tết Quý Mão 2023 (7/1/2023)
Thành phố Vinh cần tạo điểm nhấn, đặc trưng riêng trong quá trình phát triển (28/12/2022)
Vụ sập sàn bê tông tại Trung tâm Thương mại đang thi công: Nhà thầu nói gì? (26/12/2022)
Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm Ban Thường vụ Thành ủy Vinh (22/12/2022)
Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 (20/12/2022)
TP. Vinh: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý dự án chậm tiến độ (15/12/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: [email protected]
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website