Chùa Tập Phúc
Từ trước đến nay nhiều tài liệu vẫn cho rằng: Chùa Tập Phúc được Hội Tập Phúc xây dựng năm 1926. Tạp chí Văn hóa Nghệ An (phiên bản điện tử) ra ngày 19/11/2010 đăng bài “Chùa Tập Phúc bao giờ được phục dựng?” của Trần Quang Đại. Trong đó có một số thông tin chính:
- “Chùa Tập Phúc (Tập Phúc tự: 集福寺) được xây dựng vào khoảng năm 1926, do các nhà hảo tâm của Nghệ An và cả nước phát tâm xây dựng”. “Cũng có ý kiến cho rằng chùa có tên ấy vì Hội Tập Phúc, trong đó có nhà đại tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, đứng ra quyên góp xây chùa”.Tuy nhiên, phần chú thích sau bài viết trên có đưa thêm thông tin: “Tài liệu “Lý lịch hiện vật” của Bảo tàng Nghệ An ngày 27/12/2006 ghi là chùa được xây dựng vào năm 1939”.
- Tổng diện tích khuôn viên chùa hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng khoảng 60, 70 mẫu ta. Còn theo cụ Hồ Viết Chanh, 90 tuổi, quê gốc ở xã Hưng Dũng, nay trú tại khối 23, phường Hưng Bình, thì tổng diện tích của chùa, bao gồm nghĩa địa, ruộng và khuôn viên chùa là 100 mẫu, vì trước cổng chùa có vế câu đối “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” (Một trăm mẫu lập nên mảnh đất vui).
Báo Nghệ An (điện tử), ngày 14/9/2014 đăng bài “ Đi tìm ký ức Tập Phúc tự” của Đình Sâm. Có đưa thêm thông tin: “Theo ông N, khuôn viên chùa ban đầu còn nhỏ hẹp, về sau chùa xuống cấp. Quãng vào đầu những năm 1930, khi vua Bảo Đại ra Nghệ An dự lễ khởi công đắp đê Tả Lam, ông Hàn Ngấn - con nhà buôn bán giàu nhất phường Vịnh (Thị xã Vinh) đã xây hẳn một cái lầu đón tiếp chỗ Nhà đèn Bến Thủy (gần đầu cầu Bến Thủy bây giờ), để được yết kiến Bảo Đại, nhằm xin được tu bổ lại chùa. Dân gian lúc ấy gọi cái lầu nhỏ ấy là “Nhà bắt tay”, vì Bảo Đại cấp tiến Tây học, ra ngoài giao tiếp đều bắt tay như người Tây. Mục đích ông Hàn Ngấn xin vua cho mẹ mình là bà Hàn Phượng - chủ nhà buôn cơ ngơi chiếm gần hết khu vực chợ Vịnh (chợ Vinh), cùng bà Vương mẫu (thuộc dòng họ Vương “danh gia vọng tộc” ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), quyên lạc tiền tu bổ chùa và tậu thêm đất mở rộng khuôn viên để làm từ thiện lập nghĩa trang cho người tứ xứ chết chợ, chết đường, hay nhà nghèo không có chỗ chôn. Ấy nên, đất chùa sau mới được “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ” là nhờ vậy!”
Bản thân tôi, tác giả bài viết này, vì dựa theo những tài liệu trên đây, nên cũng đã chú thích bức ảnh Tháp chùa Tập Phúc trong sách “Vinh xưa” là chùa do Hội Tập Phúc, trong đó có nhà tư sản Bạch Thái Bưởi xây dựng năm 1926.
Vậy, thực tế như thế nào?
Gần đây, qua tìm kiếm, tôi đã may mắn tìm được một số thông tin trên báo Thanh Nghệ Tịnh và Thanh Nghệ Tịnh tân văn những năm 1930 đến 1936, cho phép sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng.
Những thông tin trên báo chí đương thời cho thấy những năm 1920, 1930 ở thành phố Vinh Bến Thủy đã có một số tổ chức và hoạt động từ thiện xã hội, trong đó Hội Tập Phúc nổi lên là một tổ chức quy củ và có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, được nhiều tầng lớp nhân dân trong thành phố ủng hộ.
Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số ra ngày 27/2/1931 đăng bài “Khánh thành nghĩa trang của Hội Tập Phúc”. Theo đó, Nghĩa trang Tập Phúc được khánh thành ngày 8/2/1931. Bài báo đã tường thuật buổi lễ khánh thành, đồng thời gần như đăng nguyên văn bài Diễn văn của ông Chánh Hội trưởng Lê Xuân Phát. Theo đó, Hội Tập Phúc được thành lập ngày 8/9/1927, gọi là “Tập Phúc hội”. Mục đích của Hội đã được nêu rất cụ thể trong Diễn văn của ông Chánh Hội trưởng: “Mục đích cốt yếu là lập ra một nghĩa trang rộng chừng 40, 50 mẫu, để phòng khi trong thành phố có ai mệnh một thì có nơi đem ký táng, lại phòng khi có những kẻ bần cùng chết không ai thu nhận, thì hội chúng tôi cũng cho đem táng ở đấy làm phúc”.
Theo thông tin trong bài báo trên, Chánh Hội trưởng đầu tiên của Hội Tập Phúc là ông Trần Ngọc Thiện, sau đó là ông Nguyễn Văn Tịnh. Năm 1931, Hội kiện toàn ban trị sự mới, do ông Lê Xuân Phát làm Hội trưởng. Ông Lê Xuân Phát lúc đó là công sứ tòa, thượng hạng chánh phán sự. Tham gia trong Ban trị sự hội có nhiều vị đang là nghị viên, công chức hoặc thân hào, như ông Nguyễn Văn Tỉnh, Trung kỳ hạ nghị viên, thương mại nghị viên, phó hội trưởng; Đạm Xuân Cung thành phố nghị viên, phó hội trưởng; Trần Tri Trý, Pháp Hoa Ngân hàng, kế toán thông sự, thủ quỹ; Trần Đình Quán ảnh tướng nghệ thuật (Nghệ sỹ nhiếp ảnh) thủ quỹ; Hoàng Ngọc Liên, Nông chính tòa thông sự, thư ký; có hai vị là phố trưởng cũng tham gia ban trị sự.
Lễ khánh thành nghĩa trang của Hội Tập Phúc
Để thực hiện tôn chỉ mục đích nói trên, Hội Tập Phúc cũng xác định có bốn việc lớn cần làm: “Hội chúng tôi có dự trù các việc thiết yếu như tậu đất làm nghĩa trang, sắm đồ đưa đám, lập chùa và làm hội quán”.
Trước hết Hội lo việc tậu đất lập nghĩa trang. “Cho được thi hành các việc ấy, chúng tôi ra sức trù hoạch, trước cầu quan trên giúp đỡ, sau nhờ các thân hào Tây Nam trong thành phố sẵn lòng từ thiện đem hằng sản tán thành. Lại có mấy ông sáng lập viên có tiếng phong phú đã xuất lực lại xuất tài, cho nên trong vòng một năm đầu tiên chúng tôi thu góp gửi ngân hàng Pháp Hoa được số tiền ngót 6.000 đồng bạc”.Hội giao nhiệm vụ cho ông Chánh Hội trưởng những năm đó là Trần Ngọc Thiện, đi tìm và “tậu đất” để làm nghĩa trang. Được sự giúp đỡ của Công sứ Louis Marty và Tổng đốc Nghệ An Phạm Liệu, “đến năm 1929 mới tậu xong được khoảng đất rộng 40 mẫu của làng Yên Dũng Thượng, vì việc phúc mà để lại. Nhưng, mới tậu được một nửa, còn một nửa có lưu để dân canh thực, khi nào cần đến sẽ chiếu giá đã định mà giao tiền lấy đất”. Bài diễn văn cũng cho biết, kĩ sư Mister đã giúp đỡ đo đạc, và quan giám binh Pettit đã đem quân xuống giúp đỡ bình chỉnh đất đai. Đến thời điểm khánh thành nghĩa trang, Hội mới xây dựng được cổng nghĩa trang và mấy gian nhà kho bằng gạch cũng như sắm được một số đồ phục vụ tang lễ. Bài Diễn văn cũng cho biết: “Còn các việc thiết yếu nên làm sau là việc làm chùa, việc làm hội quán. Những các việc ấy công trình phả đại chúng tôi chưa có thể thi hành luôn được. Xem số tiền dự trù bao giờ có được một số tiền lớn là 12000₫ thì mới nói chuyện đến được”.
Như vậy, đến tháng 3 năm 1931 chùa Tập Phúc vẫn chưa được xây dựng. Trong thời gian sau đó Hội Tập Phúc liên tục tổ chức nhiều hoạt động để quyên góp tiền, trong đó có nhiều buổi biểu diễn văn nghệ để gây quỹ. Hội cũng ra các yết thị yêu cầu di dời mồ mả trong khu vực nghĩa trang để Hội quy hoạch xây dựng được nề nếp. Những gia đình có mộ, mà có nguyện vọng quy tập ngay trong nghĩa trang cũng được đáp ứng, nhưng yêu cầu phải sắp xếp lại theo quy hoạch chung. Hàng năm vào dịp thanh minh Hội Tập Phúc đều tổ chức lễ tảo mộ ở nghĩa trang.
Hội Tập Phúc đi tảo mộ dịp tết Thanh minh
Tuy chưa có thông tin về quá trình khởi công và xây dựng chùa Tập Phúc, nhưng báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số ra ngày 9/3/1934 đăng bài “Hội Tập Phúc Vinh được ân tứ một tấm biển”. Bài báo nêu rõ: Hội Tập Phúc ở Vinh mới được Hoàng thượng ban cho hai bức biển. Một bức có chữ “Sắc tứ Tập Phúc tự” và một bức có chữ “Sắc tứ phúc thiện khả gia”. Còn vị sư Trương Văn Tín giữ chùa cũng được ban “Dao điệp trụ trì”. Ngày 25 tháng 2 Tây tức là 12 tháng Giêng ta Hội đã vào dinh quan tổng đốc rước biển về chùa làm lễ khánh hạ rồi. Về dịp ấy Hội Tập Phúc có gửi thiệp mời thập phương công đức tới dự lễ. Song thiếp có nơi gửi được có nơi không. Nơi nào không gửi được là vì khi lạc quyên không đề chỗ ở rõ ràng. Lại hôm làm lễ Khánh Hạ, các quan, các quý ông, các quý bà trong thành phố đến dự lễ được đông đảo vui vẻ, bản hội xin cảm tạ. Còn trong lúc bận rộn tất nhiên cũng có điều sơ suất, bởi vậy có cậy bản báo đăng lời xin các ngài miễn trách cho”.
Như vậy, chùa Tập Phúc được khánh thành vào ngày 25 tháng 2 năm 1934, tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tuất. Vào dịp đó vua Bảo Đại đã ban tặng chùa tấm biển “Sắc tứ Tập Phúc tự” và ban tặng Hội Tập Phúc tấm biển “Sắc tứ Phúc thiện khả gia”. Hội Tập Phúc đã tổ chức rước hai tấm biển này từ Dinh Tổng đốc về chùa để làm lễ khánh hạ.
Qua những thông tin đăng trên báo chí đương thời, chúng ta có thể thấy: Hội Tập Phúc là một hội từ thiện, đã lập nghĩa trang và xây chùa mang tên Tập Phúc. Toàn bộ kinh phí cho các hoạt động của Hội, kể cả mua 40 mẫu đất làm nghĩa trang là được quyên góp, như ngày nay gọi là “xã hội hóa”. Hội có sự tham gia của nhiều thành phần quan chức, công chức, doanh nghiệp, nhà buôn, trí thức… trong thành phố. Đặc biệt Hội Tập Phúc từ khi thành lập cũng như trong quá trình hoạt động luôn được các công sứ Pháp và Tổng đốc Nghệ An ủng hộ. Những năm này nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi có một bến tàu ở Bến Thủy và một số hoạt động kinh doanh ở Vinh - Bến Thủy. Việc ông ủng hộ kinh phí cho Hội Tập Phúc là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, Bạch Thái Bưởi mất năm 1932, nên việc đóng góp công của cho công việc xây dựng chùa Tập Phúc cũng cần phải được nghiên cứu thêm.
Về diện tích khu vực chùa. Ngoài thông tin 40 mẫu được “tậu” lại từ làng Yên Dũng Thượng, chưa có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy diện tích chùa là 100 mẫu. Chữ “bách mẫu” trong câu đối trước cổng chùa “Bách mẫu bình nguyên, tập thành lạc thổ”, cũng chưa thể là căn cứ để khẳng định chùa rộng 100 mẫu. Còn giai thoại ông Trịnh Văn Ngấn, tức Hàn Ngấn xây lầu “bắt tay” để tạo điều kiện cho mẹ xin vua Bảo Đại mở rộng nhà chùa cũng là một thông tin cần tham khảo. Tuy nhiên, theo báo chí đương thời, vua Bảo Đại ra Vinh lần đầu tiên năm 1932, khi vừa mới hồi loan được vài tuần. Để đón tiếp nhà vua trước Nhà Hành cung trong thành Nghệ An có dựng hai chiếc lầu gỗ rất đẹp. Chưa có thông tin hai chiếc lầu gỗ đó do ai tài trợ. Năm chuyến thăm khác của vua Bảo Đại đến Vinh đều được báo chí đương thời tường thuật khá chi tiết, nhưng cũng không thấy nhắc đến việc xây lầu “bắt tay” ở Bến Thủy, hoặc việc bà Hàn Phượng, hay người của Hội Tập Phúc xin mở rộng chùa. Đó là chưa kể giai thoại ông Trịnh Văn Ngấn bắt tay vua Bảo Đại hiện cũng có nhiều dị bản khác nhau, dù rất thú vị, nhưng cũng chỉ để tham khảo.
Chùa Tập Phúc, nghĩa trang Tập Phúc là địa điểm gắn liền với sự kiện nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhà chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Rất nhiều thi hài các nạn nhân chết đói được qui tập về mai táng tại nghĩa trang của chùa. Trong thời kì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chùa đã bị oanh tạc và hư hỏng nặng. Hạng mục cuối cùng sót lại là ngọn tháp 9 tầng, cao 12 mét, đẹp và độc đáo của chùa Tập Phúc, cũng đã bị chính quyền cho đánh mìn, phá sập vào năm 1975. Hiện nay có một số đồ tế khí như bát hương, hoành phi được đưa về đền Tiên Cảnh, một bức tượng Phật được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, một chiếc chuông lưu lạc vào tận chùa Ba (Đà Nẵng)… Khu vực chùa Tập Phúc hiện cũng đã trở thành nơi của các cơ sở kinh doanh, hành chính và khu dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn một mảnh đất nhỏ có thể phục dựng lại chùa.
Mặc dù không phải là ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời, nhưng chùa Tập Phúc, nghĩa trang Tập Phúc cũng là một phần của lịch sử và đời sống thành phố Vinh từ những năm 1920. Thiết nghĩ phục dựng lại chùa Tập Phúc cũng là công việc cần thiết và có thể làm lúc này.
|