Đại đa số người cao tuổi bị thoái hóa khớp, nhưng do không biết nên nhiều cụ ông, cụ bà càng tăng vận động cho mau khỏe. Điều này sẽ dẫn đến khớp đau thêm, thậm chí bị cứng khớp, teo cơ, mất khả năng vận động.
ThS Đỗ Chí Hùng, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện E Hà Nội, cho biết, phong trào đi bộ tập thể dục của người dân phát triển, đặc biệt là người cao tuổi, khiến cho số bệnh nhân nhập viện vì bệnh khớp gối do tai biến đi bộ cũng tăng lên. Mất khả năng vận động vì đi bộ Bà Trần Thị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) bị đau khớp, nhất là khi thay đổi thời tiết. Mấy hôm nay trời trở lạnh khiến các cơn đau khớp nhiều hơn. Nghe lời mách của mấy bà bạn cùng xóm, bà Hoa cố gắng đi bộ vào buổi sáng và buổi tối. Nhưng càng tập luyện, bà lại càng thấy đau. Đến khi hai chân cứng lại, đau nhức và rất khó di chuyển, bà mới đi khám tại Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện E. Bác sĩ cho biết chính việc đi bộ của bà làm bệnh khớp nặng thêm.
Người già nên chọn các bài thể dục nhẹ nhàng để tránh tổn thương khớp. Ảnh minh họa | Tại các khoa xương khớp ở Bệnh viện Bạch Mai, E, Thể dục thể thao... gặp khá nhiều trường hợp như bà Hoa. Không ít người khi đến bệnh viện đã trong trường hợp thoái hoá khớp nặng, cứng khớp, teo cơ... thậm chí không đi lại được.
Theo ThS Hùng, giống như các môn thể dục thể thao khác, đi bộ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai tập đi bộ cũng cho kết quả tốt. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đau khớp dù thấy đau cũng cố gắng tiếp tục tập đi bộ, vì vậy có thể dẫn đến hậu quả là khớp ngày càng tổn thương nhiều hơn.
TS Trần Minh Hoa, Phó trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh, hầu hết người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối. Thực chất của bệnh là tình trạng lão hóa của khớp gối qua nhiều năm. Vì thế, khi khớp có biểu hiện đang viêm, sưng, đau, phải hạn chế đi lại. Nếu không sẽ dẫn tới viêm khớp tiến triển, viêm khớp mủ, lao khớp, tràn máu ổ khớp... Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường, tim mạch, thấp khớp, viêm khớp trước khi đi bộ cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nhiều người mắc bệnh loãng xương càng cố gắng đi bộ, hai gối càng bị đau, sau một thời gian không thể đi được nữa vì quá đau. Tránh vận động đột ngột Theo BS Chu Văn Tấn, Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Thể dục thể thao, đi bộ rất có lợi cho sức khoẻ nhưng không tốt cho hầu hết người già, đặc biệt với bệnh nhân đau khớp, càng đi lại càng bị đau nhiều hơn. Với khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng lượng cơ thể, tức vào khoảng 25-40kg.
Ngừng đi bộ khi thấy: - Đau vùng gối, đau lưng. - Đau vùng ngực, chóng mặt, choáng váng, khó chịu, huyết áp tăng. - Hơi thở ngắn, ra mồ hôi nhiều bất thường. - Tự nhiên mệt nhiều, mất sức. - Chuột rút (vọp bẻ), đau cơ bất thường. | Người càng béo thì tải trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời gian đi càng dài. Người già, xương yếu, sức chịu đựng của gối có hạn và đây chính là nguyên nhân các cụ cảm thấy đau gối sau khi đi bộ. Nếu không dừng lại, cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trọng lượng cơ thể và mặt dốc, độ gập ghềnh của đường tập. Tình trạng kéo dài gây tổn hại khớp, làm giảm cứng mạch và có thể dẫn tới teo cơ.
TS Hoa khuyên, người già rất cần vận động nhẹ nhàng, nên khi không có biểu hiện sưng, đau, mỗi sáng ngủ dậy nằm nguyên trên giường xoa bóp khớp 5 - 10 phút, rồi đi bộ nhẹ nhàng 20 - 30 phút. Hạn chế lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống đột ngột hoặc xoay vặn cột sống quá nhiều... vì làm như vậy có hại cho khớp.
Theo Đất Việt
|