Người học trò, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định vô cùng chính xác: "Thế giới dẫu còn nhiều đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi".
Điều này không chỉ đối với người Việt Nam mà còn đúng với cả những người phương Tây trước đây, hiện nay và cả ngày mai.
|
Nhân dân Li-đi-xơ (Tiệp Khắc cũ) tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người sang thăm (17/7/1957) Ảnh tư liệu |
Giữa lúc một số người còn loay hoay tự hỏi, liệu Hồ Chí Minh có phải là nhà tư tưởng không, nhóm tác giả điện ảnh dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã thực hiện một chuyến đi phỏng vấn 30 nhân vật nổi tiếng của phương Tây, đặc biệt là ở Pháp và Mỹ. Những phát biểu của họ càng làm cho chúng ta ngạc nhiên và tự hào biết bao về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin được trích một vài dẫn chứng tiêu biểu (*)
Philippe Devillers, nhà sử học Pháp: "Tôi nghĩ Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng tiên tiến, thông thái, là người đưa đường, chỉ lối tuyệt vời. Nét nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo: nó đáp ứng nhu cầu cụ thể của con người và cuộc sống hàng ngày của họ. Người hiểu rõ nhân dân, do vậy tư tưởng của Người không phải là một học thuyết giáo điều mà gắn liền với thực tế.
Đối với tôi, Bác Hồ là Bác Hồ, không có một nhân vật thứ hai như Bác. Đúng là dần dần rồi tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ thay thế tất cả các tư tưởng giáo điều và tôi cho rằng ảnh hưởng này sẽ rất lớn và tích cực."
Staley Karmow, tác giả phim "Việt Nam - một thiên lịch sử truyền hình" nói: "Hồ Chí Minh đã đến châu Phi, vượt Đại Tây Dương đến New York... Nước Mỹ với những con đường cao tốc, những cây cầu...Tất cả đã tác động đến ông như thế nào? Ông đã bị tác động rất sâu sắc khi ngắm Tượng thần Tự do ở bến cảng New York... Một trong những điều làm ông thú vị là các tiểu luận của Jeffeson và Lincolt. Ông biết khá tường tận về nước Mỹ. Ông thuộc lòng bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Sau này, khi viết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, năm 1945, ông đã trích dẫn nó....
... Hồ Chí Minh là nhân vật quan trọng của thế kỷ XX. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã thua trận và chính ông đã tìm ra cách đánh bại nước Mỹ - đất nước được coi là hùng mạnh nhất thế giới".
William Duiker, tác giả cuốn "Ho Chi Minh - A life" nổi tiếng, bộc bạch: "Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng có tầm vóc quốc tế. Theo tôi, ông đã xây dựng tư tưởng của mình dựa trên nhiều nền văn hóa và cách ông nhìn nhận thế giới mang tính toàn cầu...
Hồ Chí Minh đại diện cho những nhân vật chủ chốt của thế kỷ XX trong việc tìm kiếm cho quốc thể: một là độc lập dân tộc và hai là công bằng xã hội và kinh tế. Tôi cho rằng Hồ Chí Minh đại diện cho hai dòng tư tưởng hiện đại hơn bất cứ một nhà lãnh đạo nào khác trong thời đại bấy giờ. Có những người đại diện cho lực lượng quốc gia nhưng không chú trọng đến công bằng xã hội. Có những người được công nhận là cố gắng hỗ trợ cho người nghèo nhưng không chú trọng lắm vấn đề dân tộc.
Do đó tôi cho rằng: Hoạt động của Hồ Chí Minh đã kết hợp được cả hai dòng tư tưởng tiến bộ ấy. Thiên tài của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã kết hợp được những giá trị của phương Tây với những giá trị của chủ nghĩa xã hội vào xã hội Việt Nam, mà ở khía cạnh nào đó đã thực sự đạt được một số điểm tốt."
Alain Rucio, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học Pari: "Theo tôi, tư tưởng Hồ Chí Minh rất quan trọng, không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà cho tư tưởng chung của nhân loại. Tôi cho rằng ông là một trong những nhà tư tưởng, nhà hoạt động quan trọng của thế kỷ XX. Tôi cho rằng phải nhấn mạnh giá trị đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tất nhiên cả giá trị chính trị, nhưng hai giá trị này gắn kết với nhau, vì tư tưởng Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề tôn trọng nhân dân, quan tâm đến nhu cầu của nhân dân. Nếu có điều gì cần học từ tất cả những điều Hồ Chí Minh đã nghĩ và đã làm trong suốt sự nghiệp của ông, thì chính là điều đó. Hồ Chí Minh không có những mối bận tâm nào khác ngoài bận tâm chăm lo cho nhân dân. Cũng chính vì thế, ông có thể đồng nhất mình với Tổ quốc trong một khoảng thời gian dài đến như vậy."
Về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các học giả cũng bày tỏ sự kính phục sâu sắc:
Pierre Brocheux: "...Nói về những đặc trưng nổi bật nhất của ông thì ta thấy ông vừa là nhà mô phạm, vừa là nhà lãnh đạo. Trước hết ông là một người rất nhân đạo... Ngày nay Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới, một thời đại mới với rất nhiều thay đổi lớn lao. Tôi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh có thể là chỗ dựa lớn nhất cho giới trẻ để dung hòa giữa ảnh hưởng của quan niệm về tự do với sự phát triển vô tổ chức. Trong trường hợp như vậy, chúng ta nên nghĩ đến Hồ Chí Minh, coi Người như một tấm gương sáng để soi mình vào mà sửa mình, nhất là giới trẻ."
Giáo sư W. Duiker: "Ông có khả năng thu hút được nhiều nhất sự đồng cảm của thế giới dành cho Cách mạng Việt Nam... Theo tôi, bất kỳ ai cũng nhận ra rằng, bằng cách đưa chủ nghĩa Mác - Lê nin đến với người dân Việt Nam và xây dựng CNXH, lý tưởng của ông đã được những người Việt Nam thuộc các tầng lớp khác nhau chấp nhận là nhờ khả năng đồng cảm đó...
Theo BNA