Mùa xuân đi vào thi ca ở nước ta có rất nhiều và từ rất sớm. Đến thời kỳ phong trào Thơ Mới (1932- 1945) lại càng có nhiều thơ xuân.
Có ba bài thơ xuân đều rất hay của ba nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn thời bấy giờ được lần lượt xuất hiện. Đó là “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính (1937), “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử (1942) và “Xuân rụng” của Xuân Diệu (1944).
|
Ảnh: Văn Nhiên |
Rất ngẫu nhiên mà thời gian xuất hiện, ngữ nghĩa của tên gọi và ý tưởng nội dung của cả ba bài lại trùng hợp với quy luật thời gian, trùng khớp với chu trình sinh học của vạn vật trong quy luật tự nhiên, từ xanh đến chín và cuối cùng là rụng!
Bài “Mùa xuân xanh”: “Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao lá ở cành/ Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh/ Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình/ Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”.
Bài thơ tràn trề ngờm ngợp một màu xanh ngút ngát mênh mang. Từ màu xanh của “giời ở trên cao”, của “lá ở cành”, của “lúa ở đồng”, của “cỏ nằm trên mộ”, của “lũy tre làng” đến cả… “cái thắt lưng” trong trang phục xưa của cô thôn nữ trẻ.
Tám câu thơ nhằm giới thiệu, dọn đường cho buổi hẹn hò của hai người đang vào độ yêu đương. Mối tình mới mẻ ấy dường như hãy còn nhiều bỡ ngỡ, run rẩy, e ấp một nỗi non tơ.
Từ ý nghĩ đến tâm hồn chưa hề vướng bợn gì phiền muộn, lo âu, tiếc nuối, buồn thương giữa những ngày xuân trong veo, rạo rực như tác giả đã khái luận ở ngay câu mở đầu: “Mùa xuân là cả một mùa xanh”!
Bài “Mùa xuân chín”: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang/ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi/
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây/ Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.
Ở đây đã bắt gặp một thoáng vướng bận nỗi buồn thương nhớ tiếc, mặc dù trong cảnh sắc của một mùa xuân có nắng ửng vàng, có giàn thiên lí đưa hương, có những cô gái trẻ trung thơ ngây đang vô tư hát ca ngợi ngày xuân.
Nỗi buồn vương bắt đầu từ trong cảm khái bất chợt của “ khách xa”: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”!
Từ ý nghĩ này đã kéo trường liên tưởng và dòng hoài niệm của “khách xa” nhớ về một bóng hình dĩ vãng, một tình yêu mơ thoảng không tròn đã ăn sâu, ám thị trong một góc khuất nào đó của ký ức với tâm trạng tưởng như là bất chợt, bâng quơ “bâng khuâng sực nhớ”!
“Bâng khuâng sực nhớ” chỉ là một cách nói lấp liếm giấu che một cảm xúc thi ca đã chín nẫu, chín muồi trong “lòng trí” của “khách xa” thôi! Nếu cảm xúc và ý tưởng không “chín” thì không thể có hai câu thơ kết bài đã làm lay động, ám ảnh không rời trong tâm trí người đọc: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”!
Như vậy là có một nỗi chơi vơi nhớ tiếc cái thời “mùa xuân xanh” đã qua rồi trong tâm tưởng.
Bài “Xuân rụng”: “Sắc tàn hương nhạt, mùa xuân rụng/ Những mặt hồng chia rẽ hết cười/ Đỡ lấy đài xiêu, nưng lấy nhụy/ Hồn ơi, phong cảnh cũng là người/
Duyên mỏng bay theo đỡ sắc buồn/ Cho mình hoa rụng cứ xinh luôn/ Phút giây hóa bướm lìa cây dạo/ Đến đất không nghe một tiếng hờn/
Gió tuy nhiu nhíu chỉ đưa hơi/ Sương dẫu chưa buông lệ ám trời/ Nhưng bóng chiều mau sa nặng lắm/ Mà hoa thì nhẹ cánh rơi… rơi…/
Trên đồng lỏng lẻo khói giờ cơm/ y lúc sao êm hiện mấy chòm/ Thần chết thướt tha nương bóng héo/ Bắt đầu đi nhặt những hồn thơm”!
Ở đây, từ “xuân” với hàm nghĩa là mùa xuân trong phân định thời tiết khí hậu của tự nhiên, của thiên nhiên chỉ xuất hiện mỗi một lần duy nhất bằng cụm từ “mùa xuân rụng” ở câu thơ đầu tiên, còn lại đều được dùng để ám chỉ cho thời gian, thời thanh xuân, xuân sắc của con người và vạn vật.
Nhân vật trữ tình của bài thơ này không phải là “tôi” như trong “Mùa xuân xanh” cũng không phải “khách xa” như trong “Mùa xuân chín” (nghĩa là con người cá nhân cá thể cụ thể đứng làm chủ thể) mà là hoa – (có thể hiểu cách biểu trưng là hoa hồng) - “Những mặt hồng…”, cũng có thể hiểu cách ước lệ là con người.
Tác giả nhân cách hóa, phổ tâm tư, ý nghĩ của mình vào, biến hoa có hồn, có tâm trạng: “Hồn ơi, phong cảnh cũng là người” như câu Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”.
Những cánh hoa mới vừa tràn đầy hương sắc đấy (xuân còn xanh) mà giờ đây đang nhạt sắc phai hương: “Những mặt hồng chia rẽ hết cười” (xuân đã chín)!
Biết duyên phận mình trong quy luật tự nhiên của muôn đời nên hoa cứ rã rụng nhẹ nhàng lặng lẽ không một tiếc than oán thán: “Đến đất không nghe một tiếng hờn”!
Chỉ có dòng thời gian là mãi mãi vô tình, vô tâm, vô tư từ từ đi ngang qua tất cả: “Chỉ bóng chiều mau sa nặng lắm”! Cái “bóng chiều” ấy đổi gam màu thành “bóng héo” đã adua, toa rập cùng “thần chết” cứ lạnh lùng “đi nhặt những hồn thơm”!
Cái quy luật sinh - diệt, có - không, còn - mất (“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” – Vạn Hạnh Thiền sư) của muôn đời ấy vẫn cứ mãi muôn đời làm cho “Tang thương đến cả hoa kia cỏ này” (Cung oán ngâm khúc)!
Vâng, những hồn thơm của nhan sắc, của tài năng, của tinh hoa, phẩm tiết… của kiếp người phù sinh cuối cùng cũng sẽ hết thời xuân xanh mà chín nẫu, mà rụng tan vào cõi vô ngã vô thường!
Từ “xuân xanh” đến “xuân chín” và… “xuân rụng” chỉ là ba trạng huống thường hằng của cõi nhân sinh. Không hẹn mà nên, ba nhà thơ tài danh cùng thế hệ đã thể hiện ba phạm trù tâm lý, ba diễn biến sinh lý vào mỗi thời điểm và cùng đều hay đều đẹp.
Ngày xuân ngồi nhớ thơ xuân mà “góp nhặt dông dài” mong may ra “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Tạ Văn Sỹ - TPO