Các bút danh khác: Thanh Tuyền, Thanh Bình, Thiết Hán
Quê ở Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957)
Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
GS. Đặng Thai Mai cùng vợ và các con- Ảnh T.L (K.H Sưu tầm)
Tác phẩm chính: Văn học khái luận (1944), Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ (1944), Tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại (1945), Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá Phục hưng (1949), Trên đường học tập và nghiên cứu (3 tập, 1959, 1965, 1973), Văn thơ Phan Bội Châu (1959), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1960)...
Nhắc đến GS. Đặng Thai Mai (1902-1984), giới văn chương - văn nghệ nước ta lâu nay vẫn nghĩ, đó là một nhà lý luận văn học nghệ thuật có công khai mở, dẫn dắt...; giới hoạt động chính trị, xã hội lại còn nhớ: Ông là một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cương vị như Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban hành chính - kháng chiến tỉnh Thanh Hóa...
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho gia và yêu nước chống xâm lăng, thủa ấu thơ Đặng Thai Mai được cha là chí sĩ Đặng Nguyên Cẩn cùng các đồng chí cách mạng của cha vừa rèn dạy chữ Hán, vừa gieo vào tâm trí ý nguyện đem sở học và toàn bộ cuộc đời mình cống hiến cho quê hương, Tổ quốc.
Lớn lên một chút, nhà văn tương lai đi học ở trường làng, rồi trở thành học trò lứa đầu của Trường Quốc học Vinh, một ngôi trường đã không chỉ giúp ông có thêm vốn Pháp học mà còn góp phần định hướng cho cuộc đời ông về sau. Đó là một sự định hướng mà hẳn là nhà trường thuộc Pháp này chỉ nhằm đào tạo các ông thành công chức phục vụ cho guồng máy cai trị của chúng không bao giờ muốn. Năm 1924, vào học ở Trường sư phạm Đông Dương, Đặng Thai Mai bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, để ít năm sau, ông vừa dạy học, vừa tham gia vào Đảng Tân Việt có xu hướng chống Pháp, rồi đến 1929, bị Pháp bắt cầm tù...
Thế là, cũng như Tố Hữu và Hải Triều, Đặng Thai Mai đã đến với cách mạng trước khi đến với văn chương. Và hình như lịch sử văn chương văn hoá Việt Nam ở thế kỷ XX đã chọn lựa các ông, nên từ vị trí một trí thức yêu nước làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Mác - Lênin, dần dần các ông đã cầm bút, coi ngòi bút và trang viết như là một lợi khí đấu tranh, một phương tiện hữu hiệu để đóng góp với dân nước trong buổi lầm than.
Thoạt đầu, Đặng Thai Mai viết trên các báo Tin tức, Lao động, Tiếng nói của chúng ta một số bài bằng chữ Việt và chữ Pháp có nội dung khơi gợi tinh thần chống Pháp, tố cáo cuộc sống bần hàn của dân ta, bấy giờ là giữa những năm 1930, khi ông vừa ra tù. Tiếp theo, ông viết một số truyện ngắn phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường của đồng bào ta trong cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh (Chú bé, Cô câm đã lên tiếng, Người đàn bà điên...).
Đóng góp đáng kể hơn cả của Đặng Thai Mai trên lĩnh vực văn chương - văn hoá là ở phần trước tác về lý luận và đào tạo bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ. Đầu những năm 1940, khi mà giới văn nghệ Việt Nam đang lo lắng và băn khoăn tìm đường, thì từ sự quan sát và suy ngẫm của mình, ông đã viết cuốn Văn học khái luận.
Trong 8 chương của cuốn sách nổi tiếng này, nhà lý luận văn học Mác xít đã bàn về những vấn đề thật sự cơ bản và có ý nghĩa lâu dài như mục đích và giá trị của sáng tác, tính giai cấp và tính kế thừa, nội dung và hình thức, điển hình và cá tính trong sáng tác, rồi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học, tinh thần quốc gia và văn học...
Vào mấy chục năm tiếp theo, khi thì ở cương vị phụ trách các cơ sở đại học đầu tiên của nhà nước ta trong kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa, và nhiều năm là người đứng đầu Trường Đại học Sư phạm, khoa Ngữ Văn và cả Viện Văn học, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam..., ông đã tập hợp, dẫn dắt, đào tạo nên những nhà nghiên cứu, nhà văn, góp phần cống hiến cho nền văn học nước nhà nhiều nhà văn và nhà quản lý.
Điều đáng quý là trong quá trình làm được các việc thật hệ trọng đó, Giáo sư Đặng Thai Mai không chỉ bộc lộ một sự thông tuệ hiếm có, mà ông - bằng lao động của mình, đã tự trở thành một tấm gương về sự thiết tha, bền bỉ học hỏi để cống hiến, về sự đôn hậu và nghiêm trang đối với đồng nghiệp cũng như sự nghiệp văn hoá văn nghệ của nước nhà.
Chả thế mà nhiều lần, ông đã đóng vai trò của một học giả trưởng thượng khiêm dung, đưa ra tiếng nói có tính chất đại diện và san định một số vấn đề quan thiết của văn hoá, văn nghệ. Có sự việc đáng kể nữa là ngay từ những tháng ngày bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước đang dồn sức cho chiến trường, bằng sự mẫn cảm của một nhà khoa học, một nhà văn, Đặng Thai Mai đã nhận ra: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ làm cho đời sống con người có những yêu cầu mới về phương diện thẩm mỹ cũng như về ý thức.
Từ đó ông lưu ý: để cho con người không bị rơi vào trạng thái choáng ngợp, mất quyền tự chủ mà trở thành một "cỗ máy vô hồn" trong xã hội kỹ nghệ có gia tốc phát triển nhanh, thì "chúng ta vẫn phải nêu lại vấn đề ý thức, vấn đề lương tâm, vấn đề trách nhiệm của người nghệ sĩ", từ đó ông khuyến nghị: mỗi ngành nghệ thuật cần kiểm điểm lại các phương tiện diễn đạt của mình để lựa chọn cho ra, sáng tạo cho được những phong cách diễn đạt có khả năng truyền cảm đối với một lớp công chúng mới, một xã hội mới...
Giáo sư - nhà văn Đặng Thai Mai là một nhân cách sáng suốt và đáng tin cậy cả ở trong và ngoài nước!