Thật tình cờ, khi ghé lại bên đường vào khuya hôm đó để hỏi chuyện người công nhân vệ sinh đang cần mẫn những nhát chổi trên phố Lê Hồng Phong, thì tôi nhận ra Tuyết khi chị gỡ chiếc khẩu trang đẫm mồ hôi ra khỏi mặt mình. Chị Nguyễn Thị Tuyết đã từng thấp thoáng có mặt trong bài báo của tôi cách đây 6 năm. Và suốt 6 năm qua, chị vẫn làm công việc này, trên cung đường này. Chị ấn tượng với tôi, bởi chính những suy nghĩ về nghề quét rác mà tôi trích dẫn bên trên, và thứ nữa, chị là người phụ nữ xứ Bắc về đất Vinh này làm dâu.
Tuyết là người Hải Dương, gặp chồng mình khi họ cùng mưu sinh trong những cánh rừng cao su ở Tây Nguyên. Nỗi vất vả, xa xôi đã khiến họ có quyết định về lại quê nhà (với Tuyết thì là quê chồng) tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh. Và chị đã cảm thấy may mắn lắm, sau một thời gian chạy chợ buôn bán vặt đã xin được chân “quét rác” (gọi đúng hơn là công nhân môi trường) tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An (giờ là Công ty Cổ phần Đô thị Nghệ An). May mắn đó, nhưng cũng nhiều nước mắt. Bởi vì, thật chẳng dễ dàng gì với cái nghề “đánh bạn với đêm khuya”, một tháng có 26 ngày làm việc, có nghĩa là chỉ có 4 bữa tối trong 1 tháng được ăn với gia đình, có 4 tối được trò chuyện và ngắm các con ngủ. Những ngày khác, chị rời nhà đi từ chừng 17h rưỡi chiều để 18h bắt tay vào làm việc trên tuyến đường được phân công, trước đó ăn vội bát cơm, hay ăn tạm cái bánh mì. Và trở về khi hơn 12h, lúc mọi người, mọi nhà đã chìm trong giấc ngủ.
Vất vả nhất là mỗi dịp Tết. Chị, cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác, đã luôn đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người, mọi nhà đầm ấm chụm đầu bên nhau trong phút giây thiêng liêng, thì ở một góc phố nào đó, những gói bánh cũng được bóc ra, những lời chúc mừng cũng được gửi tới nhau, những nụ cười rạng rỡ bừng lên sau tấm khăn bịt mặt vừa cởi, chiếc chổi chợt im tiếng nằm ngả bên vỉa hè.
“Nhưng có những người đã òa khóc, nhất là với nhiều người trẻ, các em mới vào nghề ấy”- Chị Tuyết nhớ về kỷ niệm những giao thừa trên phố, rồi tâm sự thêm “Làm lao công, nhiều bạn nữ khó lấy chồng lắm. Vì có mấy ai hiểu, cảm thông, sẻ chia được với người vợ, người mẹ đi làm cả đêm đâu. Nói tuổi xuân mòn theo tiếng chổi khuya như ai đó nói là đúng đấy. Có lẽ vì vậy mà lấy chồng, lấy vợ cùng nghề cũng là cái may. Trong công ty mình có những mối tình này nở trên phố đêm như vậy, có em tổ quét lấy anh tổ xe. Tình yêu của người lao công ít lời nói hoa mỹ, chỉ là âm thầm lặng lẽ sẻ chia thôi”.
Khi tôi hỏi Tuyết về kỷ niệm mà chị nhớ nhất trong nghề, Tuyết cũng kể thêm rằng, với chị, không phải là những giao thừa, mà lần đầu nhận việc mới là lần chị nhớ nhất. Lần ấy, nhận chổi, nhận xe, nhận đồ bảo hộ, và chị bắt đầu những nhát quét đầu tiên . Mới thấy vỉa hè sao mà rộng, thấy đêm sao mà dài, thấy cái không gian sao mà mênh mông đáng sợ. Khi chị đang dùng hết sức lực để đẩy xe rác đi, thì có tiếng gọi “Ê, rác ơi!” và ngay sau lưng là tiếng rơi của một bịch ni lông tung tóe rác rưởi sau lưng mình. “Có tủi hổ không, tủi lắm chứ, nhưng mà tôi vẫn không hiểu tại sao, người ta không gọi: Chị ơi, cô ơi, mà lại gọi rác ơi?”
Và rồi, qua hơn 7 năm trên cung đường khuya vắng, chị, cũng như các chị Hoa, chị Lưu, chị Gái, anh Hiếu, em Giang… đã quen với những sự vô tâm, vô tình, đôi lúc tưởng như có cả sự miệt thị của nhiều người. Những tổn thương, từ lời nói, hành động vô ý thức, cộng với bao hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp rình rập, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc không có được tình yêu với nghề. Song với chị Tuyết và nhiều anh chị em khác trong hàng trăm lao động trên phố mỗi đêm, đã thú nhận rằng mình cũng yêu nghề. “Yêu công việc quét đường, đẩy xe rác – nghe có vẻ vô lý phải không, nhưng nó là thật đấy. Không chỉ vì nó là nghề mưu sinh đâu, mà nó gắn với mình thành thói quen, nó cho mình những cảm nhận về cuộc sống, mà chỉ có những người thức trên đường phố ban đêm mới có thể cảm nhận được. Với nữa, nếu mà mình không yêu công việc của mình thì sao có thể làm tốt, sao mình có được sự đáp đền. Bạn sẽ là người hạnh phúc nhất nếu đi trên quãng đường sáng láng buổi mai này, và nhận ra, đó là do mình đã cần mẫn từng nhát chổi đêm qua.”
Tuyết cũng kể với tôi về những lần chị gặp người nghiện hút, đập đá “bắt nạt” chị trên đường khuya, về lần năm ngoái bị người say rượu tông xe vào phải nhập viện, về nguy cơ bị mắc bệnh vẹo cột sống do đẩy xe, hay cả nguy cơ dị ứng thường trực nữa… Nhưng tất cả không làm chị chùng lòng bằng mỗi đêm trở về, trong căn nhà im vắng, chỉ còn ngọn đèn lờ mờ hắt ra từ buồng ngủ, thấy các con thiêm thiếp trong vòng tay bố, hay vòng tay ông bà nội, nói mơ gọi mẹ khiến chị muốn ứa nước mắt. “Nhưng mà đâu có phải mình mình”, có hơn 300 người làm nghề như chị trên các tuyến phố, trong đó có 13 kíp làm đêm với 26 lái xe rác, trên 9 tuyến đường, thu gom hàng trăm điểm rác lớn với hàng trăm tấn mỗi ngày.
Tuyết kể rằng, từ lần trước gặp tôi đến lần này, chị đã kịp có thêm một đứa con nữa. Thế là đến giờ Tuyết có 3 cô con gái. Cô con đầu năm nay học lớp 11, cô thứ 2 học lớp 6 và bé út mới được 2 tuổi rưỡi. “6 năm, có bao nhiêu thay đổi, chỉ có lương là không, vẫn quanh quẩn 4 triệu” – Tuyết nói với một nụ cười. Tôi, không hiểu sao mà chị lại có được sự rạng rỡ, tươi tắn đến vậy khi nói về những nhọc nhằn của mình. Tôi tin ở sự yêu nghề của chị là thật, và nó đã đọng lại qua nhiều tháng năm của cuộc đời…
Cũng trên phố khuya ấy, tôi gặp Cao Sỹ Thiện (33 tuổi), quê Hưng Nguyên ở đội xe (làm ca chừng từ 19 h 20 tối tới 2,3 h sáng), Ngô Trí Hưng (22 tuổi) quê Nghi Lộc làm ca đến 1,2 giờ sáng. Hỏi Hưng có người yêu chưa, Hưng cười: “Không biết có cô nào chịu yêu một người “phu đường” luôn bốc mùi như em không”. Là nói vậy cho vui, chứ với Hưng “xã hội mỗi người mỗi việc, em và các anh chị ở đây làm được một nghề mang đến sự đẹp đẽ cho thành phố này bản thân cũng thấy vui và thầm tự hào chứ”. Mới hiểu vì sao, có những người lao công đã thủy chung với công việc này 10, thậm chí là hơn 20 năm cuộc đời.
Tôi về trên phố hôm đó, chậm rãi, để thử một lần cảm nhận như Tuyết, như Hưng, như Thiện… một “đời sống về đêm” của phố Vinh. Nơi mà trong ánh ngày rạng rỡ, con người và cả con đường, hàng cây dường như đã khoác lên trên gương mặt, tâm hồn mình một thứ ánh sáng khác. Tôi đếm có bao nhiêu người đã chọn vỉa hè mưu sinh: này những hàng xôi, bánh mướt, bún phở khuya với những gương mặt nhàu nhĩ, ngái ngủ. Này ông lão trong bộ đồ bộ đội cũ kỹ ngồi nhả khói thuốc lào với chiếc săm rách gá lên trụ bơm phòng cháy trên đường Trần Phú. Ông cũng chọn góc phố này hành nghề vá săm xe bao năm qua. Này những người tha hương bán hàng rong, úp chiếc màn chụp trên vỉa hè để mưu cầu một giấc ngủ. Người hát rong, bán bánh mì rong cũng lóc cóc gõ nhịp chân mình trên phố khuya… À, hóa ra, có một nhịp sống dưới những ánh đèn đường vàng vọt, mà với những người như chị Tuyết, như Thiện, như Hưng thì đó giống như là sự sẻ chia với mình.
Và bỗng dưng, những viên gạch lát đường, những bậc thềm nhà, mỗi khúc đường tôi qua, đều như có thì thầm xao động. Không giản đơn nó vọng lại từ tiếng chổi quét đường. Mà còn bởi, tôi nhận ra, những bước chân qua, dù của ai đó đều mang nặng nỗi buồn vui đời họ, hơn thế, dưới mỗi nếp bụi cát, đá, nhựa im lìm kia, đã có những giọt mồ hôi rơi xuống hàng đêm. Để mỗi mai sớm, đi trên phố phường, tôi biết cúi xuống nhìn dưới chân mình, với niềm biết ơn…