Dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh thành cổ Vinh đang vào giai đoạn sắp hoàn thành, thế nhưng đến nay việc thỏa thuận đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại xảy ra trong quá trình thi công vẫn chưa thỏa đáng. Cực chẳng đã, người dân phải ngăn cản nhà thầu thi công để chờ thỏa thuận đền bù khiến dự án bị chậm tiến độ.
Dự án hào thành Vinh vẫn dở dang vì vướng mắc khâu thỏa thuận đền bù |
Dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh thành cổ Vinh thuộc Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Vinh, có tổng diện tích quy hoạch 6,475 ha, qua địa bàn 3 phường Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung (TP Vinh). Dự án có tổng đầu tư khoảng 110 tỉ đồng, do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Thịnh Hưng thi công, dự kiến hoàn thành trong quý I/2017 với các hạng mục chính: Nạo vét, xây dựng tường chắn dọc 2 bờ mương, xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải, xây mới tuyến mương bên trong thành cổ và tuyến mương bên ngoài thành cổ, xây dựng sáu cửa xả và sáu hố ga tách nước thải. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn dang dở do vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Quá trình thi công, dự án đã làm 299 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 100 hộ phải tái định cư. Đến nay, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hào thành Vinh bị ảnh hưởng trong quá trình thi công vẫn chưa được đền bù, GPMB do chưa thống nhất được phương án.
Bà Trần Thị Thanh (SN 1956) trú tại số nhà 86, khối 8, phường Cửa Nam (TP Vinh) cho biết: “Từ khi dự án đi vào thực hiện, cả nhà tôi hết sức lo lắng. Ban đầu chỉ là những vết rạn nứt chân chim nhỏ xuất hiện ở tường thì nay những vết nứt kéo to và dài hơn, có vết kéo dài cả bức tường, xẻ cả vách tường. Nền nhà sụt hẳn xuống như trống rỗng bên dưới. Cứ tình trạng này kéo dài thì không biết nhà tôi sẽ sập bất cứ lúc nào”. Theo bà Thanh, cả năm nay gia đình bà luôn phải sống trong lo sợ vì những vết nứt ngày càng lớn và dài hơn. Bà Thanh mong muốn sớm được hỗ trợ đền bù xây lại nhà hoặc sửa sang để gia đình yên tâm sinh sống.
Cùng dãy nhà và sát với công trình thi công hào thành cổ Vinh, ngôi nhà 2 tầng của ông Nguyễn Xuân Vinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề với những vết nứt chằng chịt khắp căn nhà. Ngoài căn nhà 2 tầng chính bị nứt nẻ, căn nhà bếp và công trình phụ của gia đình cũng nứt toác và doạ sập bất cứ lúc nào. Theo ông Vinh, cả năm trời nay không thấy cơ quan chức năng đến kiểm đếm hay có phương án đền bù, hỗ trợ hợp lý dù gia đình ông đã nhiều lần làm đơn kiến nghị.
Những vết nứt kéo dài nhiều tháng nay tại nhà dân nhưng chưa được đền bù |
“Đợt trước họ đến đo đạc, kiểm đếm thiệt hại nhưng chỉ nói nhà tôi bị ảnh hưởng công trình phụ, đền khoảng 200 triệu đồng. Họ không nói gì đến căn nhà 2 tầng của gia đình dù nhà bị nứt rất nhiều, chằng chịt khắp nơi. Tôi đã làm đơn rất nhiều, mong sớm đền bù hỗ trợ cho gia đình nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, ông Vinh cho biết. Thực trạng gia đình bà Thanh, ông Vinh cũng là hoàn cảnh chung của những hộ dân bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án trong thời gian qua.
Do bị người dân phản ứng nên thời gian vừa qua, công nhân, máy móc của Công ty TNHH Thịnh Hưng không thể tiếp tục thi công dự án, với lý do là chưa tiến hành đền bù thiệt hại do quá trình thực hiện gây ra. Trước khi tiến hành thực hiện, dự án đã được mua bảo hiểm rủi ro về xây dựng của Công ty Bảo hiểm Pijico Nghệ An (thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm Pijico). Quá trình thi công, dự án có ảnh hưởng đến các hộ dân, phía nhà thầu đã báo cho đơn vị bảo hiểm đến lập biên bản và thực hiện các thủ tục để đền bù. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại còn nhiều hộ dân chưa được đền bù nên dẫn đến việc bức xúc, cấm máy móc, công nhân vào thực hiện dự án. Theo hợp đồng, số tiền phí bảo hiểm cho dự án này là 250 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Pijico Nghệ An cho biết: Khi nhận được thông báo về sự cố các hộ dân, đơn vị đã phối hợp với nhà thầu để xử lý. Bảo hiểm rủi ro theo quy định là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bên thứ 3 nên khi xảy ra sự việc, đơn vị đã hợp đồng thuê đơn vị giám định độc lập để lập hồ sơ về các thiệt hại do quá trình thi công gây ra. Bên giám định độc lập sẽ hướng dẫn nhà thầu làm các thủ tục để đền bù cho dân, dựa trên kết quả đó phía bảo hiểm sẽ thanh toán lại cho nhà thầu số tiền bảo hiểm đã thanh toán đối với dân. Hiện, bên giám định độc lập vẫn chưa xác định được thiệt hại của một số hộ dân để nhà thầu tiến hành đền bù nên bảo hiểm vẫn chưa thể thanh toán cho nhà thầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho rằng, gói thầu đã được nhà thầu mua bảo hiểm rủi ro, chủ đầu tư đã thúc giục nhà thầu sớm xử lý các sự cố xảy ra với người dân để đảm bảo tiến độ. Ban quản lý dự án cũng đề nghị UBND phường Cửa Nam phối hợp với nhà thầu, đơn vị giám định độc lập để thống nhất thỏa thuận đền bù cho dân.