Thay đổi quy định chế độ đối với giáo viên phổ thông
Từ 1/8/2017, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Theo đó, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Luật Lao động, được hưởng nguyên lương và phụ cấp nếu có. Quy định này làm rõ vấn đề nghỉ thời gian 2 thán đã bao gồm nghỉ phép năm, nhằm phù hợp với Luật Lao động 201 và đảm bảo chính sách đặc thù với giáo viên.
Bên cạnh đó, thông tư này cũng quy định thời gian làm việc là 42 tuần đối với GV trường dự bị Đại học (tương tự giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT) bao gồm: 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp
Ngày 1/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo Nghị định ngày, từ ngày 15/8/2017, 8 nhóm đối tượng sẽ đươc tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (so với tháng 6/2017). Cụ thể, 8 nhóm đối tượng bao gồm:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21.10.2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23.1.1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4.8.2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27.10.2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20.8.2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Quy định mới về công khai ngân sách nhà nước
Từ 1/8/2017 việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được NSNN hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, việc công khai dự trên nguyên tắc đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin ngân sách. Bên cạnh đó, bảo đảm các yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy địn hiện hành. Phạm vi công khai không bao gồm số liệu và báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia.
Báo cáo dự toán NSNN phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).
Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện NSNN hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc , kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Từ năm 2020, cấm Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc
Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2017 và bãi bỏ Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012.
Theo đó, tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty đại chúng có những thay đổi sau: Từ ngày 01/8/2020: Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng (hiện tại vẫn cho phép nếu được phê chuẩn hàng năm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên).
Từ ngày 01/8/2019: Thành viên HĐQT của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 05 công ty khác.
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung thêm một số nội dung đáng chú ý như: Công bố thông tin thu nhập của Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên. Đại hội đồng cổ đông được trao quyền trong việc thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty do HĐQT xây dựng.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng
Theo quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng (quy định hiện hành tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP là 50 triệu đồng). Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.
Từ 5/8 tới đây, nếu tổ chức tín dụng nào bị phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng, thay vì mức 50 triệu đồng đã áp dụng hơn 12 năm qua. Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và đến năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng.
Hồng Vân
Theo Nhịp sống kinh tế