Thời nay trẻ con có ít đồ chơi, đó là một thực tế. Nhưng nguyên nhân do đâu thì còn tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người, hay nói cho cùng là của mỗi bậc làm cha mẹ.
Ở cơ quan tôi có một cô đồng nghiệp, hễ thấy người khác đặt mua đồ chơi, sách cho con là hối hả đặt mua theo. Có lần tôi gặp chị ấy đang khệ nệ ôm một đống hàng chuyển phát, toàn là đồ chơi trẻ con. Chị cười hì hì giải thích: “Chị mua cho con chơi, chứ hè đến rồi bọn trẻ nghỉ ở nhà hay cuồng tay cuồng chân. Mà chị thì không cho chúng nó táy máy vào trò chơi điện tử”.
Quả là thời buổi này, trẻ con có ít trò chơi hơn thời trước thật. Mấy đứa cháu đã học lớp 11, 12 của tôi hồi còn nhỏ có cả một cái gác xép chứa toàn đồ chơi: con gái thì búp bê, đồ lề, xâu cườm, gấu bông; con trai thì robot, siêu nhân, xếp hình… Thậm chí bọn trẻ còn rủ nhau tự làm diều giấy, ná bắn chim, tàu thuỷ,…
Cứ nghỉ hè là chúng nó lại lôi đồ chơi ra bày bừa khắp nhà. Nhiều khi mẹ bọn trẻ phải phát cáu vì suốt ngày thấy nồi cơm nguội bị lôi ra để làm hồ dán diều, giấy lộn thì vứt khắp nhà, dính cơm nhoe nhoét. Tôi và bố bọn trẻ thấy thế chỉ cười, phẩy tay bảo: “Kệ chúng nó, không ham chơi ham phá không phải là trẻ con!”.
|
Những trò chơi dân gian. Ảnh: Internet |
Thời nay trẻ con có ít đồ chơi, đó là một thực tế. Nhưng nguyên nhân do đâu thì còn tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người, hay nói cho cùng là của mỗi bậc làm cha mẹ. Có người cho rằng trẻ con ngày nay ít chơi đồ chơi hơn trẻ con ngày trước là bởi tính cộng đồng, hoà nhập vào xã hội của chúng ít hơn. Ngày xưa trẻ con bao giờ cũng túm tụm thành nhóm trong làng ngoài ngõ, dù có hay không có đồ chơi thì chúng cũng chẳng bao giờ thiếu trò chơi, “tự biên tự diễn” với nhau đi “phá làng phá xóm”.
Thời nay, trẻ con hầu như được bố mẹ bao bọc trong bốn bức tường, cả ngày ngồi điều hoà chứ mấy khi được thả cho đi chơi với bạn bè? Nhất là với tâm lý sợ con nghịch bẩn, sợ con chơi ngoài nắng về đổ bệnh, sợ con nghe bạn rủ rê bày trò quấy phá, nói chung là có một ngàn lẻ một nỗi sợ khiến bố mẹ biến con thành “chim cảnh nhốt lồng”.
Cũng có người lại cho rằng, không phải trẻ không có đồ chơi mà vì chúng không thích chơi đồ chơi nữa nên người lớn không mua. Vậy thì chúng chơi gì? Trò chơi điện tử, mạng xã hội, xem phim trên youtube, đọc truyện trên internet,… Đồ chơi của trẻ bây giờ gói gọn trong các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, tivi,… Mới đây, một diễn đàn dành cho các bố mẹ được phen dậy sóng vì tranh cãi về một kênh youtube dành cho trẻ em được nhiều người nhận xét là “vô duyên, phản cảm, vô bổ”.
Hoặc nghiêm trọng hơn nữa, trước đó các bố mẹ Việt tá hoả phát hiện một kênh youtube mang tiếng là dành cho trẻ em nhưng lại phát các nội dung gợi dục khiến người lớn cũng phải đỏ mặt. Ấy thế mà rất nhiều trẻ em Việt Nam đang say mê xem những nội dung đó hàng ngày, hàng giờ, trong sự yên tâm của bố mẹ là “con mình suốt ngày ở nhà thì nhất định sẽ ngoan, không thể hư hỏng, lệch lạc đi đâu được”.
Gạt sang một bên tất cả những lý do có thể viện đến, các bố mẹ thử tự đặt câu hỏi: Mình đã dành được bao nhiêu giờ đồng hồ trong một ngày 24 tiếng để chơi với con? Bởi vì đồ chơi, trò chơi làm ra không phải để chơi một mình, mà phải có bạn và bố mẹ - hơn ai hết - phải là người bạn đầu tiên, tốt nhất và mãi mãi.
Không biết bao nhiêu bố mẹ đã phải hối hận khi phát hiện con mình bị tự kỷ chỉ vì bố mẹ bỏ mặc con đằng đẵng làm bạn với chiếc điện thoại hay cái tivi. Tốn kém tiền bạc và công sức để chữa trị đã đành, tổn thất lớn nhất mà họ có lẽ sẽ rất khó để bù đắp được chính là thời gian, điều mà họ đã dành cho những thứ khác - sự nghiệp chẳng hạn?
Một mùa hè nữa lại đến. Thỉnh thoảng tôi nhìn lên trời và tự hỏi những cánh diều tuổi thơ đã đi đâu mất rồi. Và tôi giật mình rời khỏi dòng hồi ức xưa cũ đó bởi tiếng chém giết phát ra từ một trò chơi điện tử trên chiếc máy điện thoại của đứa trẻ nào đó. Và tôi thấy buồn.
Hải Triều-Baonghean.vn