Theo ông Lợi, ai cũng muốn nghỉ Tết dài ngày vì giải quyết được nhiều vấn đề như thăm người thân, gia đình, bà con. Tuy nhiên, việc nghỉ Tết quá dài ngày cũng gây ra những bất cập.
"Thu nhập thấp, tiền lương ít mà lại nghỉ nhiều. Nghỉ nhiều lại không có tiền. Bây giờ ta nghỉ ở một thời lượng nhất định, vừa đảm bảo nhu cầu tình cảm gia đình, thăm thân, bà con cô bác, nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian lao động để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Năng suất lao động đang thấp đời sống đang còn khó khăn mà nghỉ quá dài, chơi quá dài thì không cân đối. Làm ít ăn nhiều", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, trong 2 phương án nghỉ Tết, ông lựa chọn nghỉ 7 ngày. "Tôi nghĩ nghỉ 7 ngày là hợp lý. Vừa đủ thời gian để thăm gia đình, đi về quê, và trở lại lao động sản xuất. Đây là bài toán chúng ta phải tính. Nghỉ 7 ngày là hoàn toàn hợp lý", ông Lợi chia sẻ.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH có dự thảo tờ trình Chính phủ về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2017. Do dịp lễ Tết có ngày làm việc xen kẽ dịp nghỉ cuối tuần nên Bộ đưa ra các phương án với số ngày nghỉ khác nhau.
Hai phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017 (tức 29 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu). Do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.
Phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 đến hết 5/2/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng giêng năm Đinh Dậu). Việc hoán đổi ngày nghỉ thực hiện như sau: công chức đi làm thứ bảy 11/2/1017 nghỉ thứ sáu 3/2/2017, để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.
Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, phương án nghỉ 7 ngày là hài hòa, không quá ngắn cũng không quá dài./.
Nguồn: VOV