Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định nguyên nhân của sự cố trên là do các độc tố phenol, cyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Chính phủ cũng đã phân công các bộ ngành xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, trong tháng 8/2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân.
Từ nay đến hết tháng 9, Bộ Tài nguyên sẽ tiến hành đợt thanh tra diện rộng đầu tiên đối với các cơ sở có nguồn thải lớn ra lưu vực sông, vùng ven biển trên phạm vi cả nước.
Buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm hết sức khó khănLý giải việc chậm kết luận về sự việc gây bức xúc trong dân, Chính phủ khái quát, quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố là công việc hết sức khó khăn, phức tạp vì công tác thu thập hồ sơ, chứng cứ đấu tranh pháp lý gặp nhiều trở ngại, mất thời gian.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo xây dựng kịch bản làm việc, đấu tranh trực tiếp với tập đoàn Formosa Đài Loan cũng như công ty Formosa tại Hà Tĩnh, đảm bảo chặt chẽ, khôn khéo để đạt kết quả cao nhất, không để sơ hở, sai sót có thể gây bất lợi cho Việt Nam về sau.
Về quá trình đấu tranh, làm việc trực tiếp, buộc Formosa Hà Tĩnh thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Chính phủ cho biết, với tinh thần cương quyết, khôn khéo, các cơ quan chức năng đã buộc phía Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những vi phạm hành chính như: Tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoá theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, và chịu chấp thuận các yêu cầu của Việt Nam.
Theo báo cáo, Bộ Tài nguyên và môi trường đang triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Qua kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường nước biển bị ô nhiễm bởi một số thông số sắt, phenol, amoni,… đến nay mức độ ô nhiễm môi trường nước có xu hướng giảm dần, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch.
Về đánh giá tồn lưu ô nhiễm, kết quả khảo sát bằng hình ảnh cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác sau khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8/2016.
Trường hợp các kết quả phân tích cho thấy vẫn còn ô nhiễm tồn lưu trầm tích đáy biển cần phải xử lý, cơ quan chức năng và nhà khoa học sẽ nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về xử lý, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam và đặc điểm của chất ô nhiễm tồn lưu. Tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị xử lý, tiến hành xử lý thí điểm tại khu vực Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh).
Bộ Công an tiến hành điều tra trách nhiệmVề kiểm điểm trách nhiệm, Chính phủ cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng đã phân công các bộ ngành xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, trong tháng 8/2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân.
Từ nay đến hết tháng 9, Bộ Tài nguyên sẽ tiến hành đợt thanh tra diện rộng đầu tiên đối với các cơ sở có nguồn thải lớn ra lưu vực sông, vùng ven biển trên phạm vi cả nước.
Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm, báo cáo nêu, qua sự cố môi trường này, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay. Và xin nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào tháng 4/2016.
Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
5 cam kết của Formosa1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng;
2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD);
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra;
4. Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế;
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.