Nằm khuất phía sau Ga Vinh tấp nập, có một cụm dân cư với những mái nhà lụp xụp, cũ nát lẩn khuất dưới những vạt cây um tùm. Hơn 10 gia đình sống leo lắt ở một góc khuất bên mé ao tù. Chỉ cách trung tâm thành phố đúng một tuyến đường ray nhưng đã có 2 “thế giới” hoàn toàn khác biệt.
|
Khu tập thể cũ ở phía sau ga Vinh là nơi cư trú của 13 hộ dân với 19 nhân khẩu. Trong ảnh là con đường mòn duy nhất dẫn vào xóm 31, thuộc khối 19, phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) |
Men theo đường tàu, vào cụm dân cư (còn được gọi là xóm 31) thuộc khối 19, phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). Nơi đây là nơi trú ngụ của 13 hộ gia đình với 19 nhân khẩu. Hơn 10 ngôi nhà, thực chất là những căn lều xiêu vẹo đều có điểm chung là rách nát, mái ngói được gia cố thêm những tấm ni-lông để ngăn dột khi trời mưa. Những bức tường vôi tróc nham nhở, thủng lỗ chỗ được che chắn bằng những tấm cót ép, bìa các tông... hay bất cứ cái gì có thể ghép lại với nhau được.
Khu nhà cũ kỹ được người dân ở đây thuê lại của một khu tập thể thuộc Đội 31 của công ty Đường sắt. Họ là dân tứ xứ đổ về ga Vinh để kiếm sống. Có người từ Thanh Hóa, Ninh Bình... đến đây mưu sinh và sinh con, rồi sau này những đứa cháu của họ cũng được ra đời nơi đây. Một số hộ vốn là công nhân của đội bốc xếp Ga Vinh, nhưng từ khi đội bốc xếp giải thể, họ trở thành những người thất nghiệp.
|
Ngôi nhà của một hộ dân trong xóm 31 |
Trong 10 hộ dân đang sinh sống, chỉ có 2 nhà có hộ khẩu là bà Lê Thị Hóa và bà Trần Thị Tam. Hai hộ này trước đây làm công nhân đường sắt, còn lại đều chỉ đăng ký tạm trú, tạm vắng. Đời sống khó khăn, cả xóm chỉ đôi ba nhà sắm được tivi đen trắng từ thế kỷ trước.
Mọi sinh hoạt khác cũng hết sức tạm bợ. 2 cái giếng khơi công cộng được đào sát mép ao nuôi cá, nước gần trơ đáy, không sử dụng được. Nhà vệ sinh chỉ có 3 bức tường gạch quây lại để che, còn chất thải được "đi" trực tiếp xuống ao.
|
Trong căn nhà tạm bợ, hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Hương sống cô độc một mình. |
|
Mọi thứ vật liệu có thể che chắn đều được người dân lắp ghép cho chỗ ở của mình |
Những ngày mưa bão, cả xóm không ai dám ở trong nhà bởi nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Phải trông chờ chính quyền địa phương di dời và sắp xếp chỗ tạm trú. Sau mỗi lần như thế, họ lại quay về xóm nhỏ nghèo nàn, dựng lại những gì đổ nát sau cơn gió bão.
Người trẻ tuổi trong xóm thì đi làm thuê đủ thứ nghề, người già thì ở nhà trông con cháu hoặc đi nhặt ve chai quanh khu vực ga tàu. Anh Nguyễn Trường Sơn (SN 1981), người từ bé đã sinh ra trong xóm tâm sự: Sinh ra, lớn lên mảnh đất này, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh, người già cô độc, có người đến tận khi lấy chồng xong vẫn quay đi quẩn lại trở về xóm này thuê nhà ở… Cái vòng nghèo khổ quẩn quanh cứ mãi đeo bám cuộc đời.
|
Căn nhà "khang trang" nhất xóm 31 |
Bà Nguyễn Thị Hương (1939), quê xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu đã ra Vinh lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thời còn trẻ, bà từng đi bốc vác thuê trong ga Vinh. Giờ đây già yếu, hàng ngày, người đàn bà ấy vẫn lang thang khắp các ngõ hẻm để nhặt ve chai, kiếm chút ít sống qua ngày. Gần 80 tuổi, bà vẫn ở một mình trong căn nhà xiêu vẹo, hỏi con cái đâu, bà chỉ lắc đầu nói : “Nhà được đứa con trai thì làm ăn xa ở Sài Gòn. Mỗi năm nó chỉ về duy nhất mấy ngày Tết”.
|
Đàn ông trong xóm thường làm thuê, bốc vác, phụ nữ nhặt ve chai kiếm sống |
Cuộc sống của gần 20 con người cứ đắp đổi ngày này sang ngày khác. Và vì không phải là công dân có hộ khẩu ở thành phố Vinh nên đành phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn, đói nghèo trong "thế giới riêng", tách biệt. Sẽ đến một lúc những căn lều không đủ sức che chắn trước nắng mưa và không ai hình dung được điều gì sẽ xảy ra...
Nguồn: Báo nghệ an