Nhật Bản đang phối hợp với các quốc gia khác trong nhóm G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) để nêu vấn đề biển Đông, Hoa Đông và Triều Tiên vào tuyên bố chung mà Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến đưa ra vào tháng tới.
Phớt lờ Bắc Kinh
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima thuộc tỉnh Mie - Nhật Bản trong 2 ngày 26 và 27-5. Theo các nguồn tin, ông Abe muốn các nhà lãnh đạo thể hiện sự đoàn kết trong lập trường đối phó với các vấn đề ở châu Á.
Không chỉ vậy, Tokyo cũng đề nghị các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung sau cuộc họp ở TP Hiroshima ngày 10 và 11-4. Tokyo hy vọng tuyên bố chung này sẽ phản ánh những lo ngại về căng thẳng leo thang ở biển Đông, biển Hoa Đông dù có thể không chỉ đích danh Trung Quốc là “thủ phạm”.
Tuyên bố cũng sẽ nêu tầm quan trọng của tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh báo chống lại các hành động - như bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn, vốn đang phá hoại sự ổn định của khu vực. Ngoài ra, tuyên bố chung sẽ lên án những hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Triều Tiên.
Thông tin trên cho thấy Tokyo đã phớt lờ cảnh báo được Bắc Kinh liên tục đưa ra gần đây, theo đó Nhật Bản sẽ cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nếu đề cập vấn đề biển Đông tại hội nghị G7.
Lập trường cứng rắn này của Nhật Bản là điều dễ hiểu trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 5-4 lảng vảng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông ngày thứ 10 liên tiếp. Hôm 4-4, Nhật Bản cho thành lập một đơn vị đồn trú thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất trên đảo Yonaguni thuộc cực Tây nước này, cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 150 km về phía Nam.
Máy bay chiến đấu mới FA-50PH của Không quân Philippines. Ảnh: Không quân Philippines
Châu Á tăng chi tiêu quân sự
Không những thế, Tokyo còn tăng chi tiêu quân sự. Báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 5-4 chỉ rõ căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, một phần xuất phát từ việc Bắc Kinh đòi chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư, là yếu tố thúc đẩy Nhật Bản đảo ngược xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng lâu nay. Theo báo cáo, Nhật Bản đã vượt Đức để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 8 thế giới với mức chi tăng nhẹ lên 40,9 tỉ USD trong năm 2015.
Một số nước Đông Nam Á cũng tăng cường sức mạnh quân sự sau khi chứng kiến Trung Quốc liên tục có hành động đơn phương sai trái ở biển Đông. Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng của Philippines trong năm 2015 tăng 25,5% lên 3,9 tỉ USD. Con số này của 2 nước Indonesia, Malaysia là 7,6 tỉ USD (tăng 16,5%) và 4,6 tỉ USD (tăng 7,7%).
Dù vậy, những con số trên vẫn quá nhỏ nếu so với chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2015: 215 tỉ USD (tăng 7,1%), chỉ thua Mỹ. Ông Sam Perlo-Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, nhận định ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ duy trì ở mức tăng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2015 vào khoảng 1.600 tỉ USD, tăng 1% so với năm 2014 và chiếm 2,3% GDP thế giới. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011.
Sự tăng trưởng chủ yếu diễn ra tại khu vực châu Á, châu Đại Dương, Trung và Đông Âu, vài cường quốc vùng Vịnh. Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự hàng đầu với 596 tỉ USD, dù con số này giảm 2,4 % so với năm 2014. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Đại Dương tăng 5,4% lên 438 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 49%.
Với mức chi 87,2 tỉ USD, Ả Rập Saudi đã qua mặt Nga (66,4 tỉ USD) để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 3 thế giới, theo sau lần lượt là Anh, Ấn Độ, Pháp. Còn ở châu Âu, chi tiêu quân sự khu vực này tăng 1,7% trong năm 2015, lên 328 tỉ USD. Ngược lại, chi tiêu quân sự của khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe năm 2015 giảm 2,9 % xuống 67 tỉ USD.
"Tắm máu" thị trường toàn cầu
Biến động từ nền kinh tế Trung Quốc có thể châm ngòi một cuộc “tắm máu” trên thị trường tài chính thế giới nếu câu chuyện hạ cánh cứng của nền kinh tế số 2 trở thành hiện thực.
Đó là cảnh báo được đưa ra trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mới công bố một phần ngày 4-4. Theo đó, việc thị trường toàn cầu bị “vạ lây” từ những cú sốc kinh tế Trung Quốc không những không dừng lại mà sẽ gia tăng trong những năm tới do sức ảnh hưởng tài chính của nước này.
Sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế lẫn sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã gây tác động xấu lên khắp các thị trường tài chính toàn cầu vào năm ngoái, khiến giá cổ phiếu, các loại hàng hóa lao dốc ở cả các nền kinh tế mới nổi và phát triển.
Chưa hết, các thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi những doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài và mức tăng sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế…
IMF nhấn mạnh các thị trường trở nên cực kỳ nhạy cảm với những tín hiệu kinh tế từ Trung Quốc. Vì thế, giới hoạch định chính sách Bắc Kinh không nên tiếp tục gây nhiễu loạn.
“Khi vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu tăng lên, việc thông tin rõ ràng và kịp thời về các chính sách, cũng như sự minh bạch trong các mục đích chính trị và chiến lược, sẽ ngày càng quan trọng. Làm như vậy mới có thể tránh được phản ứng bất ổn của thị trường cùng những phản ứng ngược tồi tệ hơn” - báo cáo của IMF chỉ rõ.
Thu Hằng
Theo HUỆ BÌNH - XUÂN MAI
Người Lao động