Theo quy định tại Khoản 5, Điều 29, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015, những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Đây là một trong những điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015.
Tại kỳ họp lần thứ 9 QH khóa XIII ngày 25/6/2015, các đại biểu QH đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015. Kế thừa những quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH năm 2010 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2013, bộ luật mới đã có những thay đổi phù hợp với thực tiễn và Hiến pháp năm 2013.
Bộ luật có 10 chương, 98 điều và có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Theo quy định, ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.
Theo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015, những người đang bị tạm giam, tạm giữ vẫn được bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp |
Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu QH, đại biểu HĐND, Luật mới quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, đảm bảo tổng số đại biểu QH dự kiến được bầu là 500 người.
Bên cạnh đó, Luật quy định tỉ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Một điểm mới của bộ luật là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.
Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia do QH thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu QH và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Theo quy định mới, công dân có thể ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND phải nộp hồ sơ ứng cử bao gồm các giấy tờ quy định cụ thể chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. Danh sách những người ứng cử phải lập và công bố trong một khoảng thời gian đúng quy định và tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức ở khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử. Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Tại Nghệ An, theo thông tin từ ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày hội bầu cử đã được các cấp, ngành triển khai đầy đủ theo đúng lộ trình đã được quy định với cơ cấu kết hợp, tỉ lệ nữ là 36,6%, tỉ lệ dân tộc thiểu số 30%, trẻ tuổi 40%, ngoài Đảng 10%, tái cử 10%.
Tại Hội nghị hiệp thương lần 2 diễn ra vào ngày 17/3, số lượng hiệp thương đại biểu QH ở Nghệ An là 40 người, bầu lấy 30 người cho đợt hiệp thương tiếp theo. Cùng với đó, để công tác bầu cử diễn ra an toàn, thuận lợi, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai lực lượng, đảm bảo ANTT tại địa phương.
Cũng theo ông Thành, Nghệ An có 5 người tự ứng cử đại biểu QH, trong số đó có 2 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu và 5 ứng cử viên tự ứng cử. Danh sách bao gồm: Ông Phan Văn Quý (62 tuổi) trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, doanh nhân, từng là đại biểu QH khóa 13; ông Trần Anh Sơn (54 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Nông sản Xuất nhập khẩu Nghệ An; ông Ngô Xuân Phúc trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh, quản lý nhà hàng; bà Phạm Thị Chiên (36 tuổi), người dân tộc Thái, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và ông Ngô Anh Tuấn (34 tuổi), luật sư và kinh doanh tại Công ty CP Phát triển thanh niên Cửa Lò.
Về danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được Ban Thường trực MTTQ tỉnh dự kiến gồm 210 người (có 1 ứng cử viên tự ứng cử) trong tổng số 251 hồ sơ hợp lệ của người ứng cử đã được tiếp nhận. Trong đó, nữ chiếm 44,7%, dân tộc thiểu số 16,1%, trẻ tuổi 29%, ngoài Đảng 5,7%, tái cử 0,9%.
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổ chức hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị để tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của những người ứng cử theo đúng quy định.