Đục bom ghỉ để lấy thuốc Đục bom ghỉ để lấy thuốc
Cả làng như một đại công trường với hàng trăm công nhân, xe cộ ra vào tấp nập...
“Công nghệ” phanh xác bom
Giữa trưa nắng như đổ lửa, gió biển tấp vào từng cơn rát mặt, từ quốc lộ 1 chiếc xe tải oằn mình tiến vào con đường quanh co rồi mất hút sau lùm cây trong làng. Xe vừa đỗ xịch, gần chục thanh niên ngồi chờ sẵn bên vệ cỏ lao lên xe khẩn trương bốc hàng. Những quả bom đủ các kích cỡ được công nhân chuyền tay nhau bốc xuống, chẳng mấy chốc chúng đã được “hạ thổ”, chất thành đống cao như ụ rơm.
Tiếng lanh canh, loảng xoảng của kim loại va vào nhau nghe lạnh người, anh công nhân tên Nghĩa vừa đưa tay lật quả bom vừa giải thích: “Loại này toàn vỏ cả thôi, cùng lắm thì còn thuốc nhưng đã “khóa mõm” (tháo kíp nổ) hết rồi, không “toi” mô mà hãi”.
Dù được nghe anh ta giải thích “một cách khoa học” nhưng anh bạn đi cùng vẫn lẳng lặng kéo tôi ra xa đề phòng “lỡ mệnh hệ nào!”. Thấy thế, đám công nhân cười hô hố một cách khoái trá rồi tiếp tục công việc với thái độ…hồn nhiên.
Theo chân lái xe tải chúng tôi vào nhà gặp chủ hàng – T “bom”. Sở dĩ ông chủ đại lý phế liệu có cái tên đệm “độc nhất vô nhị” này bởi quanh năm suốt tháng T chỉ kinh doanh độc mỗi mặt hàng vỏ bom.
Rít xong điếu thuốc Lào, T đưa tay chỉ vào đống vỏ bom ước tính cả mấy trăm cái ngoài góc vườn, giải thích: “Vỏ bom đặc chứ không rỗng như loại sắt thép phế liệu khác, cho vào lò nấu mẻ chỉ có lãi ròng. Hàng này càng ngày càng hiếm và đắt nên không phải ai cũng bám được, ở Diễn Hồng này có hàng trăm chủ đại lý thu mua, chế biến phế liệu nhưng “đại gia” theo nghề nấu bom (nung phôi thép) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”.
Theo lời T, nguồn bom được dân rà sắt, cửu vạn lùng sục trong các cánh rừng bạt ngàn ở tận Lào, sau đó được các đại lý nhỏ ở đây sơ chế (tháo kíp nổ, lấy thuốc), lái thương gom lại rồi vận chuyển bằng xe tải từ Lào về nhập cho các chủ đại lý ở Diễn Hồng.
Trung bình một ngày có khoảng 15-20 chuyến xe tải từ các nơi về Diễn Hồng “ăn” hàng, đổ hàng với khối lượng hàng hóa giao dịch lên đến hàng trăm tấn.
Rời T “bom”, chúng tôi sang xưởng của B “sắt vụn” nằm sâu phía sau khu Công nghiệp Diễn Hồng. Giữa bãi sắt thép ngổn ngang trong xưởng một nhóm công nhân đang hì hục phân loại phế liệu. Những loại sắt thép vụn vặt được nhặt nhạnh khá sơ sài, riêng quy trình lựa vỏ bom được thực hiện khá công phu.
Ban đầu tất cả được tập kết thành một đống, vỏ bom được lựa riêng ra, từ đây lại tiếp tục phân chia ra: Bom lớn - bom nhỏ, bom rỗng và bom còn thuốc... Một công nhân cho biết: “Bom nhỏ cứ vác đút thẳng vào lò nung, còn bom lớn như bom tấn phải dung bình hàn ôxi cưa đôi mới cho lọt miệng lò. Thỉnh thoảng nếu gặp bom tịt, đang còn thuốc thợ sẽ mang ra đục hoặc cưa để lấy thuốc bán cho dân biển”.
Tử thần rình rập
Dân Diễn Hồng trước đây đa số bám nghề nông nghiệp, còn số ít đi biển hoặc buôn bán lặt vặt, mấy chục năm trước một vài người mang nghề “sắt vụn” từ đâu du nhập vào xã. Rồi chẳng mấy chốc họ phất lên trông thấy, có tiền họ đua nhau xây nhà, sắm xe, mua sắm tiện nghi đắt tiền...
Những đống bom chờ cho vào lò nung.
Thấy lãi cao, dân Diễn Hồng cũng đổ xô đi thu gom phế liệu, rồi kẻ mở đại lý kinh doanh, người xây nhà xưởng nung phôi thép, chế biến phế liệu, biến Diễn Hồng thành “chợ sắt” sầm uất của miền Trung. Gần chục năm lại đây Diễn Hồng phát triển ồ ạt trở thành khu thu mua, chế biến phế liệu, sắt thép quy mô nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Hiện giờ nghề thu mua, chế biến phế liệu trở thành nghề trụ cột của xã với hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn người tham gia. Theo số liệu của UBND xã Diễn Hồng, hàng năm tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt trên dưới 28 tỷ đồng, chiếm 32% ngân sách của xã.
Con em trong xã học xong phổ thông không thi đỗ đại học chỉ còn cách bám trụ ở làng, mặt khác nghề sắt vụn cũng giúp họ kiếm được tiền nhiều hơn rất nhiều so với nghề làm nông. Tuy nhiên mỗi đồng tiền kiếm được đổi lại họ phải bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và đặc biệt nguy hiểm luôn rình rập.
Dân Diễn Hồng vẫn còn nhớ mãi vụ ông Kh. ở khối Bắc dùng dao đẽo quả đạn cối để lấy chì và thuốc, đang mải mê gọt đẽo thì “bùm” – một tiếng nổ long trời chấn động cả xóm, quả đạn phát nổ ngay trên tay ông Kh, hai bàn tay ông nát bét.
Một đợt khác, lò nung phôi thép của H “phế liệu” bị sập vì vướng kíp nổ trong đạn mà không biết, thành lò nặng mấy chục tấn đổ ập xuống, cả bể thép sôi sùng sục tràn ra lênh láng. Vụ đấy mấy chục công nhân hú hồn nhờ thoát tử nạn nhưng nhìn vào lò than hừng hực ai cũng nơm nớp chỉ sợ một ngày nào đó sẽ đến lượt mình.
“Thế lỡ có quả bom nào trong đống phế liệu kia phát nổ thì sao?” - Tôi hỏi.
B “sắt vụn” ấp úng phân trần: “Gặp những quả nào nghi còn có kíp nổ, chúng tôi phải cho nâng như nâng trứng ra tận cánh đồng trũng xa tít sau làng. Chỉ sợ đen đủi gặp quả nào còn thuốc, lỡ nó phát nổ thì không chỉ chủ, thợ mà cả khu vực dân cư sẽ bị đe dọa tính mạng. Biết là nguy hiểm nhưng phải bám nghề mà kiếm tiền chứ không còn cách nào khác”.
Trước đây hoạt động thu mua phế liệu diễn ra tự phát, mạnh ai nấy làm gây ra tình trạng ô nhiễm, cản trở giao thông…, mấy năm gần đây nhờ việc quy hoạch hàng trăm đại lý vào khu công nghiệp 15 ha của xã nên việc thu mua, sản xuất phế liệu được quản lý chặt chẽ hơn rất nhiều.
Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng – Ông Trần Văn Tấn cho biết: “Ủy ban xã Diễn Hồng đã ra quy định: Ai thu mua bom, mìn còn có thuốc, kíp nổ sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng trở lên. Nếu ai vi phạm lần hai sẽ bị hạ biển, đình chỉ kinh doanh”.
Rời Diễn Hồng chúng tôi ngoái lại lần nữa nhìn những đống vỏ bom nguội lạnh, rồi lại trông vào những đám thợ đang hì hục làm việc trong xưởng, ngoài bãi mà canh cánh một nỗi lo biết đâu một lúc nào đó lại tiếp tục một tiếng nổ nghiệt ngã vang lên, lại gieo thêm một nỗi đau cho xóm làng bình yên nơi này.