Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ở Điện Kremlin Ảnh: Reuters
Theo các hãng tin Nga, ông Putin giải thích lý do “”rút lực lượng chủ chốt” ra khỏi chiến trường Syria bởi quân đội Nga “nhìn chung đã hoàn thành các mục tiêu đề ra”. Còn nhớ khi chính thức triển khai chiến dịch quân sự ở Syria từ ngày 30/9/2015, Điện Kremlin từng nhiều lần khẳng định Nga quyết tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức cực đoan khác tại Syria.
Tuy nhiên, IS còn đang tồn tại và vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria. Trên thực tế, nhìn toàn cục có thể thấy Nga có hai mục tiêu chủ yếu tại Syria. Thứ nhất là ngăn chặn nguy cơ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ trước các đợt tấn công của phe nổi dậy. Thứ hai là giành lợi thế về phía Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria.
Và có thể nói ông Putin đã thành công. Trước khi Nga can thiệp, chính quyền Assad liên tục bị các nhóm nổi dậy và IS dồn ép, đánh mất quyền kiểm soát nhiều thành phố và thị trấn. Nhưng với bom và tên lửa của Nga, cộng với sự hỗ trợ của lực lượng Iran và tổ chức Hezbollah, quân đội Assad đã phá vỡ thế kiềm tỏa của phe đối lập tại Aleppo, giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền tây Syria.
Máy bay chiến đấu Nga đánh bom một vị trí ở Syria Ảnh: AFP
Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn Syria do Mỹ và Nga thúc đẩy dù bị đánh giá là mong manh nhưng đang có hiệu quả. Sau nhiều năm, Syria bắt đầu yên ắng trở lại. Đàm phán hòa bình cũng tỏ ra có triển vọng. Như vậy, Nga đã xác lập được vị trí có ảnh hưởng rất lớn trên bàn đàm phán và hoàn toàn có thể bảo vệ được các lợi ích quốc gia của mình ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Những ngày qua, một số quan chức phương Tây và các thủ lĩnh nổi dậy Syria bày tỏ lo ngại quân đội Assad có thể sẽ tận dụng lợi thế lực lượng để tiếp tục tấn công giành lãnh thổ, phớt lờ thỏa thuận ngừng ngắn. Sự kiện Nga quyết định rút quân có nghĩa là lực lượng Assad sẽ đánh mất sự hỗ trợ tối quan trọng trên chiến trường. Có thể hiểu rằng ông Putin gây sức ép buộc ông Assad phải chấp nhận đàm phán hòa bình.
Hơn nữa, chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria dù không gây thiệt hại gì cho quân đội Nga (chỉ mất vỏn vẹn một chiếc máy bay chiến đấu bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở biên giới) nhưng khá tốn kém, đặc biệt nếu xét đến tình cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang vật lộn với suy thoái vì cấm vận phương Tây và giá dầu lao dốc.
Truyền thông phương Tây ước tính mỗi ngày quân đội Nga chi khoảng 4 triệu USD cho các cuộc không kích ở Syria. Chi phí vận hành các loại máy bay ném bom không hề rẻ. Dù vậy, nhiều khả năng Điện Kremlin vẫn sẽ duy trì một lực lượng nhất định ở Syria để ngăn chặn các thế lực chống Assad leo thang chiến tranh.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là ông Putin rất muốn Mỹ và châu Âu hạ nhiệt cấm vận nền kinh tế Nga vì xung đột ở Ukraine. Thỏa thuận hòa bình do Nga và phương Tây bồi đắp ở Syria sẽ được đánh giá là hành động thiện chí của Moscow. Như vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có đủ lý do chính đáng để khôi phục lại quan hệ hợp tác với Nga.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga chưa giúp chấm dứt nội chiến Syria, và IS vẫn kiểm soát nhiều vùng đất tại quốc gia này. Nhưng vấn đề là ông Putin đã chứng minh được rằng Nga hoàn toàn có thể thay đổi cục diện chính trị ở Trung Đông bằng sức mạnh quân sự của mình.