Tôi yêu thành Vinh bằng một tình yêu thầm lặng mà dai dẳng. Đến nỗi, khi chồng tôi - người xứ khác - ngày đầu đặt chân xuống ga tàu đã thốt lên: “Thành Vinh có vậy thôi sao mà ngày nào em cũng nhắc!” thì tôi đã nhẩm nguyện rằng sẽ dành hết thời gian bên nhau để dưỡng nuôi anh tình yêu phố thị nhỏ bé này. Mà đến giờ, khi tôi chưa kịp hết hành trình nhẩm nguyện của mình, thì anh cũng đã kịp mến yêu thành Vinh lắm rồi ….
Cái tình mến yêu ấy rồi dần dà sẽ biến một người đàn ông xứ lạ thành người thành Vinh thứ thiệt cho xem, như cách “nó” đã kỳ diệu chạm khắc vào tâm trí, tính cách, phong thái nhiều cư dân tứ xứ khác.
|
Một góc khu nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Hồng Nguyễn |
Người ta hay hỏi tôi, rất cắc cớ, rằng giờ thành Vinh đã là nơi neo đậu của hàng nghìn thân phận người từ khắp muôn miền quê đổ về, làm thế nào để nhận biết được đâu là dân Vinh “gốc”. Tôi không biết. Và cũng chẳng quan tâm. Thứ định danh gốc gác thật ra chỉ là thứ định kiến phân biệt bắt rễ vào tiềm thức. Hễ ở Vinh đủ lâu, đủ hiểu và yêu Vinh bằng thứ tình bình dị và bền chặt đã có quyền xưng là “dân Vinh” rồi.
Tôi tin rằng, bất cứ ai xưng mình là “dân Vinh” đều có thể đóng vai một hướng dẫn viên du lịch thành thục nhất, với những gói city tour (du lịch thành phố) độc đáo khó quên.
Ở thành Vinh, người ta phải đi sâu vào nó, đừng bao giờ để nguội đi những háo hức hôi hổi của sự chiêm nghiệm và khám phá. Những nẻo đường xương chéo, những ô bàn cờ, những ngõ cụt, những tường rêu … đều ẩn trong đó bao sự bất ngờ.
Nếu thực có người tin cậy mà nhờ tôi dẫn bát phố Vinh, tôi sẽ bắt đầu tour của riêng mình bằng một đêm thức trắng, như món quà đặc biệt mà dân Vinh và thành Vinh chào mừng lưu khách.
Đêm trắng là góc nhan sắc khác của thành Vinh, không lộng lẫy, không điểm tô, không rộn những nói cười. Mà bâng khuâng, mà trần trụi, mà rất đời. Thế mà vẫn đẹp!
Tour đêm trắng sẽ bắt đầu bằng hành trình ẩm thực, từ những dãy hàng ăn đêm dàn suốt quãng đường Trần Phú, Lê Duẩn, Lê Lợi, Lệ Ninh … với nào xôi trứng, bánh mướt, miến ngan, phở gà, cháo lươn …
Những sạp hàng không có một ngày khai trương pháo nổ lân chầu, mà lẳng lặng xuất hiện và lưu trú thủy chung với góc vỉa hè vàng vọt ánh đèn đường, cứ lụp xụp mái che, bàn ghế nhựa từ ngày mở bếp tưởng như mãi đến mười mấy năm sau, khi nữ thực khách thuở nào còn là thiếu nữ dại khờ thành người đàn bà một nách hai con quay lại vẫn nguyên dáng nếp cũ.
Tôi đồ rằng, mỗi một thị dân Vinh xưa hay nay đều có cho riêng mình những địa chỉ quán khuya quen, để khi nhỡ bước cuồng chân hay vội vã cần kíp giao đãi đều ghé lại. Dù năm nay hay năm sau và mươi năm sau nữa, hàng quán đêm thành Vinh vẫn còn ở đó, vô thức lưu giữ và gọi về những kỷ niệm của mỗi người. Ồ chốn này, chiếc bàn này ta và người thương đã từng ngồi.
Hương vị món ăn khuya vẫn thế, đủ nóng ấm, đủ rưng rưng … Những quán khuya không lịch sử, không bao giờ “lên” nhà hàng lộng kiếng phô trương nhưng nếu thiếu nó, còn gì làm nên sắc diện thành Vinh, còn gì làm nên trầm tích ký ức của dân Vinh?
Nhưng city tour của tôi không hẳn chỉ là cuộc ngao du ẩm thực. Khi bình minh lên, hãy lắng tai thấu cảm những lao xao đầu tiên của ngày mới phố thị. Không ồn ã như Sài Gòn, không xô bồ như Hà Nội, không quá bảng lảng như Huế, thành Vinh thức dậy bằng những thanh âm khẽ khàng, bình dị, mà nếu có một chiếc máy ảnh trong tay, đừng ngần ngại ghi lại những lát cắt kỳ diệu ấy.
Những lát cắt thời khắc chuyển giao mong manh giữa ngày và đêm, giữa tối và sáng, giữa tĩnh và động. Chụp đi, và khi đổ ảnh ra, bạn thấy gì? Những chuyến xe chở rau tất bật từ các xã ngoại thành lên phố cho cữ chợ đầu ngày, những cụ già quét hè phố, những cửa hàng lịch xịch mở cửa, những chào hỏi tươi vui hàng xóm láng giềng …
Nếu bạn thành thực rung động với những chuyển động tĩnh lặng bình dị ấy thì chúc mừng bạn, bạn đã có lớp xếp đầu tiên trong trầm tích ký ức về thành Vinh.
|
Trẻ em chơi bóng ở sân tập thể nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Hồng Nguyễn |
Rồi thì mai đây, trầm tích ấy sẽ còn rêu phong nữa, dù hành trình chiêm nghiệm thành Vinh tiếp theo đây tuyền chỉ những điều dung dị thôi. Như việc đến thăm khu nhà tầng Quang Trung - niềm kiêu hãnh của thành Vinh một thuở. Nay, dãy nhà tầng lọt thỏm giữa tầng lớp cao ốc hiện đại và bề thế, và dáng vóc ngày nào đã ngủ quên trong lớp biên viễn lịch sử thành Vinh đầu thế kỷ XXI. Đứng ở sân bóng nhà A1, C2 hay bất kỳ khu sinh hoạt chung nào ở dãy nhà tầng nơi đây, đều cảm thấu được nhịp sinh hoạt rất đặc biệt mà vì nó, có thể thứ tha tất thảy những tróc lở, ngổn ngang, xấu xí, chật hẹp … của khu tập thể cũ có tuổi đời non nửa thế kỷ.
Có đến đây mới biết, hành trình chiêm nghiệm thành Vinh với miếng ăn hay nếp quán, nhà tầng, cao ốc cũ hay mới chỉ là cái cớ. Chính câu chuyện, nếp sống bình dị và rất Vinh mới làm nên không khí của thành phố này - thứ bùa mê khó giải với ngay cả với những người ngụ cư.
Tôi không có ý định làm một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và cứng nhắc bằng việc giới thiệu tất thảy những điểm đến ở thành Vinh. Điều đó hẳn không khó khăn gì trong thời đại công nghệ hiện nay, chỉ cần vài nhấp chuột đã có ngay tấm bản đồ dẫn lối. Tôi chỉ dẫn dắt bằng ý niệm riêng tư của mình, hầu mong yểm mê tình mến yêu Vinh đến tâm hồn bất kỳ ai. Ngay cả điều ấy nữa, tôi cũng đã thấy mình rất thành Vinh rồi, dẫu bản thân tôi cũng chẳng phải người gốc Vinh.
Dân Vinh có cái khẳng khái, cái ngược ngạo, cái ồn ào, cái bướng bỉnh mà người xứ lạ nghe qua có phần dè dặt những giao đãi. Nhưng ở lâu, thấy dân Vinh còn là những cư dân hồn hậu, hiếu khách, thật tình, “thấy răng nói rứa”. Những hòa quyện tính cách ấy đã làm nên không khí phố thị Vinh rất đặc trưng, khiến không chỉ tôi, mà nhiều cư dân khác, nhiều lần bật khóc khi bước chân lên chuyến xe liên tỉnh chật chội mưu sinh. Hãy cứ đi, những cư dân của phố, cho thỏa chí tang bồng. Phố thành Vinh vẫn ở đây, như chứng nhân cho sự trở về, như người hàn gắn những vết thương lòng, như quê hương của tất thảy. Nếu phố cất lời, tôi tin, phố sẽ nói vậy thôi…
Phước Anh - Baonghean.vn