Ngày 12/12/2015, Bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc COP21 ở Thủ đô Paris (Pháp). Đây được xem là thời khắc đặc biệt quan trọng khi sau 20 năm chờ đợi, trải qua nhiều cuộc hội thảo nay đã kết thúc thành công với những nội dung căn bản, đáp ứng sự chờ đợi của các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Vì một thế giới phát triển ổn định
Bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được xem là một văn bản có tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên tất cả 196 nước tham gia Công ước chung của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đi đến một thỏa thuận chung.
Theo đó, tất cả các nước phải cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện khi cùng hướng đến mục tiêu quan trọng là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 20C, sau đó cùng nỗ lực thực hiện các giải pháp để xuống còn 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bản Thỏa thuận được đưa ra nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các quốc gia cam kết giảm lượng khí thải vì một thế giới xanh trong thời gian tới (ảnh minh họa) |
Thực tế hiện nay cho thấy, biến đổi khí hậu là vấn đề đang được toàn nhân loại quan tâm. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Trong những năm qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thiên tai như bão lớn, nắng nóng đỉnh điểm, lũ lụt, hạn hán, gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của con người. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành và địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với những tác động trước mắt và những tác động về lâu dài của biến đổi khí hậu.
Hành động quyết liệt
Là tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung bộ, hàng năm, tỉnh Nghệ An phải hứng chịu rất nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Trong vòng 50 năm (từ năm 1961 - 2010), nhiệt độ trung bình ở Nghệ An có xu hướng tăng, với mức khoảng 0,90C. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng, hạn hán, thiếu nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Trong vòng 13 năm (từ 2001 - 2013), trên địa bàn tỉnh xảy ra 247 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 547,38 ha rừng, làm suy giảm hệ sinh thái động, thực vật. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn kéo dài, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngày 27/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND.ĐC phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến năm 2020.
Trong đó, chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tập trung tăng cường các công tác: Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình tưới tiêu thủy lợi, ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống thiên tai, tránh trú bão cho tàu thuyền; bảo tồn, phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn. Tăng cường công tác quản lý, phòng chống cháy rừng; xây dựng phương án, chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với các thảm hoạ thiên tai do biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội nhằm thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đồng thời, tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền để toàn thể cộng đồng có nhận thức đúng đắn về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu để có giải pháp ứng phó. Kế hoạch hành động đã được các sở, ngành và các địa phương tập trung thực hiện, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác ứng dụng kiến thức biến đổi khí hậu vào công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.