Tại huyện Kỳ Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết, nhiệt độ ở khu vực này đã xuống 0 độ, có lúc xuống -1 độ C.
Ông Nguyễn Trọng Văn - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết, tại khu vực cửa khẩu vào sáng rạng (khoảng 4-5h) đã xuất hiện băng giá, nhiệt độ 0 độ. “Hôm nay đã xuất hiện băng giá và nhiệt độ xuống quá thấp”, ông Văn nói. Tại khu vực Bản Chiềng, thuộc xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong nhiệt độ đo được từ điện thoại thông minh cũng cho thấy nhiệt độ ở đây đã xuống 0 độ C. “Khu vực Bản Chiềng nói riêng và ở huyện Quế Phong nhiệt độ mà chúng tôi dùng điện thoại thông minh đo được đã xuống 0 độ C rồi, lạnh lắm, chưa năm nào lạnh như thế này cả”, thầy giáo Lương Trung Thành (Giáo viên điểm trường Tri Lễ) cho biết.
Ngày hôm nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An một số xã vùng biên giới như Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Mường Lống, Mỹ Lý, Keng Đu… của huyện Kỳ Sơn và xã Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ của huyện biên giới Quế Phong đang có nền nhiệt độ xuống rất thấp và đang ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân.
Hai ngày nay, không khí lạnh tràn về, kèm theo mưa rét làm cho khu rừng núi đá Phja Oắc (thuộc địa phận xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) trở nên huyền ảo bởi băng giá khiến cho cảnh vật nơi đây phủ một màu tuyết trắng.
Núi Phja Oắc có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Đây là lần thứ 3 có băng tuyết trên đỉnh Phja Oắc trong mùa đông năm nay. Ông Bàn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thành Công cho hay, từ chiều 23/1, băng tuyết xuất hiện dày đặc ở địa phương, khiến cho nhiều du khách thập phương tìm đến chiêm ngưỡng cảnh tượng kỳ thú. Tuy vậy, theo ông Chủ tịch xã Thành Công, những đợt không khí lạnh như thế này, ít nhiều gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Bà con bị thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, làm cho việc trồng dong riềng, nghề làm miến đình trệ; gia súc bị chết, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng.
UBND huyện Nguyên Bình đã vận động người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, đảm bảo sức khỏe cho người già và trẻ em. Xã Thành Công cũng chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét, đảm bảo sức khỏe.
Một số nơi ở các huyện miền núi Hà Tĩnh nhiệt độ xuống dưới 5 độ gây rét đậm, rét hại. UBND các huyện ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương khuyến cáo và tuyên truyền cho người dân đảm bảo về người và vật nuôi trước sự khắc nghiệt của thời tiết.
Hơn 10 giờ trưa, dạo một vòng quanh TP Hà Tĩnh, các ngả đường vắng tanh người qua lại. Dù vào những ngày cận tết nhưng nhiều cửa hàng buôn bán cửa đóng then cài. “Dù ngày nghỉ nhưng chợ vắng tanh. Phải đóng cửa để nghỉ bán, chứ sáng đến giờ tay chân cóng hết phải xoa dầu nóng mới trụ được vài giờ”, một tiểu thương buôn bán tại chợ Vườn Ươm, TP Hà Tĩnh nói.
Khoảng 14 giờ, ngày 24/1, trao đổi với PV Tiền Phong, một chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, do nằm ở vị trí rừng núi giáp nước bạn Lào nên nhiệt độ hiện tại đo được tại nơi đây là 1 độ. “Cận tết, nhiều phương tiện qua lại cửa khẩu, lực lượng biên phòng và hải quan phải huy động 100% quân số để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt nơi đây”, một chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nói.
Nông dân nên làm gì trước băng giá, mưa tuyết ?
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã cử các đoàn công tác đi các địa phương vùng cao để đôn đốc công tác chống rét. Các tỉnh cần cử các đoàn công tác xuống tận các huyện, xã, đặc biệt là các xã vùng lõi chịu ảnh hưởng lớn của băng giá, mưa tuyết để chỉ đạo, hướng dẫn bà con chống rét, hạn chế đàn vật nuôi chết vì đói, rét.
Theo ông Vân, cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô: rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò chủ động dự trữ rơm, cỏ khô đảm bảo thức ăn cho trâu, bò. “Những ngày giá rét, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, không được chăn thả trâu bò tự do, nuôi nhốt có kiểm soát; che chắn chuồng trại trên nền khô, kín, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi”- ông Vân noi.
Còn ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, người dân không bón đạm lót cho lúa trước cấy, giữ nước mặt ruộng không để hở gốc lúa, bơm nước ngập chân cho các ruộng mạ chưa cấy. Với mạ mới gieo, cần che phủ vòm nilon, không bón đạm ure cho mạ, chỉ nên bón lân suppe trộn tro bếp mục. Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, bà con không nên cấy lúa khi nhiệt độ bình quân ngày dưới 15 độ C. Ủ gốc rau màu mới trồng và còn non bằng nilon hoặc rơm rạ.
Nguồn: Tiền Phong