Tôi không sinh ra ở Vinh, cũng không có quá nhiều thời gian gắn bó với nơi này. Nhưng có lẽ giữa tôi và thành phố bé nhỏ này vẫn có chút gì đó gọi là duyên nợ. Ra đi rồi trở về, tôi vẫn luôn thấy Vinh mang dáng dấp và hơi thở thân quen, gần gũi, mặc cho thời gian và guồng quay của nhịp sống đang khiến mọi thứ đổi thay từng ngày.
|
Hành khách lên xuống tàu tại Ga Vinh. Ảnh: Quỳnh Lan. |
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Vinh là ngày tôi tiễn thầy tôi ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong con mắt trẻ thơ lúc đó, Vinh thực sự rất ồn ào, nhộn nhịp và tấp nập - khác hẳn miền quê thanh bình mà tôi sinh sống. Những ngôi nhà tầng những cột khói cao ngút trời, cả những chiếc xích lô chở khách dạo khắp phố phường,… Mọi thứ thật lạ lẫm, khơi dậy sự thích thú và trí tò mò của một đứa trẻ quê lần đầu ra tỉnh. Rồi cả những chuyến tàu xình xịch chuyển bánh, bóng thầy tôi với chiếc mũ tai bèo khuất dần sau ô cửa kính. Người ta bảo rằng, ấn tượng ban đầu như chất keo dính chặt tâm hồn vào vạn vật. Và tôi vẫn mang giấc mơ khắc khoải về một thành Vinh với những con tàu, những tòa nhà và sự ồn ào của phố xá cho đến tận lúc trưởng thành.
Sau này, khi đã đặt chân đến nhiều vùng, miền khắp trong Nam, ngoài Bắc, tôi càng cảm nhận được sự khác biệt của thành Vinh. Trong cái huyên náo của phố phường, Vinh vẫn có chút gì đó rất riêng, rất đặc biệt, không quá buồn hiu hắt như Huế, cũng không vội vã, ồn ào như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, Vinh là tổng hòa, xen kẽ của sự trầm lắng và tấp nập, vui tươi và yên bình. Điều đó luôn khiến cho những kẻ lữ khách như tôi cho phép mình sống chậm khi trở về hòa nhịp giữa thành Vinh, để cảm nhận hết vẻ đẹp nhuốm màu thời gian mà không lạc hậu ấy. Cũng chính những nét khác biệt đó thôi thúc tôi tìm hiểu cặn kẽ về bề dày lịch sử của thành Vinh - vùng đồng bằng trù phú bên bờ sông Lam.
|
Nét xưa hiện hữu giữa lòng thành Vinh hiện đại. Ảnh: An Nhiên. |
Tôi tìm gặp các cụ cao niên từng gắn bó với mảnh đất thành Vinh trọn đời người, đến cả những hiệu sách cũ, tìm trong tài liệu ở Thư viện tỉnh. Mỗi lần được nghe kể hoặc tìm tòi, phát hiện về chiến tích thành Vinh và những dấu vết xưa còn lưu lại, tôi càng yêu mến nơi đây đến bội phần. Cách đây hàng nghìn năm, người Việt cổ đã sinh sống khá đông đúc trên vùng đất này. Việc tìm thấy 2 trống đồng thuộc thời đại Hùng Vương cách đây hơn 4.000 năm dưới chân núi Dũng Quyết và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An đã minh chứng cho điều đó.
Năm 1788, khi đang trên đường ra Thăng Long đại phá quân Thanh, không kìm lòng được trước cảnh sắc mây núi của vùng đất này, Hoàng đế Quang Trung phải công nhận: "Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới". Và không lâu sau đó, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây dựng đế đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh và đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô, ấn định đây sẽ là kinh đô của đất Việt. Mặc dù chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, song Phượng Hoàng Trung Đô đã trở thành dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh. Không những vậy, các hoàng đế sau này cũng coi là đây là vùng đất văn vật, địa linh. Những dấu tích của cổng thành cổ Vinh là chứng nhân lịch sử cho công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất này của các vị minh quân thuở trước.
Vào những năm đất nước đang chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, thành Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân. Sự đối lập giữa cảnh sung túc, giàu sang của người ngoại quốc và cảnh lầm than của dân cày, cộng thêm sự áp bức bóc lột nặng nề đã khiến vùng đất này trở thành cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng. Rồi đến những năm tháng chống đế quốc Mỹ, Vinh là mục tiêu ném bom tàn phá nặng nề nhất của không quân Mỹ, toàn thành phố gần như bị san phẳng trong một đống hoang tàn, đổ nát.
|
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (Núi Dũng Quyết, TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh. |
Mãi đến năm 1973, Cộng hòa Dân chủ Đức giúp nhân dân ta xây dựng lại thành phố Vinh theo thiết kế đô thị của Đông Đức và Liên Xô. Sử sách ghi lại rằng, hồi đó các chuyên gia Đức và công nhân Việt Nam không quản mệt nhọc, nắng mưa, hăng say lao động với tình cảm hữu nghị thân thiện. Từ đó, các tòa nhà cao tầng bắt đầu mọc lên, đường sá mở rộng, xoá dần những dấu tích hoang tàn của chiến tranh. Thành phố Đỏ kiêu hãnh đổi thay trong cuộc tái thiết, người dân thành Vinh bắt đầu bước vào thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và làm đẹp giàu quê hương xứ Nghệ.
Ngày nay, người ta chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của thành Vinh trên bước đường hội nhập, đô thị loại 1 được Chính phủ quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của vùng Bắc Trung bộ. Nhưng đáng tự hào thay, người ta vẫn thấy một thành Vinh kiêu hãnh anh hùng, mang hào khí Xô viết năm xưa, kiên cường và mạnh mẽ. Vinh đâu chỉ có Phượng Hoàng Trung Đô, đâu chỉ có dấu tích thành cổ, Vinh còn có cả những làn điệu ví, giặm ngân vang sau cánh võng đưa nôi, có cả bát nước chè xanh ấm tình xứ Nghệ. Vinh mộc mạc, ân tình, vẫn khiến bao bước chân du khách phải lưu luyến mỗi bận trở về.
Còn với tôi, đã ra đi, đã trở về chốn này không biết bao nhiêu lần. Nhưng lạ kỳ thay, lần nào cũng vẹn nguyên cảm xúc như thuở ban đầu. Tôi vẫn thấy hình bóng của Vinh qua tiếng còi tàu của lần tiễn biệt thầy ra Bắc, vẫn thấy Vinh đáng yêu và trìu mến từ giọt mồ hôi mặn chát sau miệng cười của bác xích lô chờ khách trước cổng nhà ga,… Tình yêu đôi khi là bất chợt, nhưng có lẽ với thành Vinh, tôi đã trót yêu bằng một tình yêu da diết, nên mọi thứ hiện lên tươi đẹp đến vậy...
An Nhiên-Baonghean.vn