Nhiều năm qua, người dân trên địa bàn TP Vinh, đặc biệt là những hộ sống cạnh các khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh, Hưng Lộc và Đông Vĩnh bị “tra tấn” bởi khói bụi và tiếng ồn. Mặc dù cơ quan chức năng đã yêu cầu khắc phục sự cố nhưng nhiều đơn vị vẫn phớt lờ và tiếp tục vi phạm.
Ô nhiễm ở KCN Bắc Vinh
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực đô thị ở các khu kinh tế, KCN trên địa bàn TP Vinh diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong đó, KCN Bắc Vinh rộng 60,16 ha, có 16 doanh nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2000, với các ngành nghề chủ yếu như sản xuất thuốc lá, may mặc, gạch lát, cơ khí ôtô… Cùng với việc gây ô nhiễm môi trường, hiện tại nơi đây vẫn còn 11 ha đất bỏ hoang, không sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không bồi thường thỏa đáng cho nhân dân.
Ống khói tại CCN Đông Vĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư |
Nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường kéo dài tại KCN Bắc Vinh là do KCN hoạt động nhưng không đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động bên trong KCN chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sai phạm, đơn vị vẫn không có biện pháp khắc phục.
Hoạt động từ năm 2000 nhưng đến tháng 5/2013, Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mới được bắt đầu triển khai xây dựng. Tháng 11/2014, đường ống đấu nối của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý tập trung và đi vào hoạt động. Theo đại diện của Công ty Đầu tư và Phát triển Bắc Vinh, theo kế hoạch phê duyệt, KCN Bắc Vinh được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 nằm ở phía bắc, bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ KCN. Do quá trình phát triển quy hoạch đô thị TP Vinh có nhiều thay đổi nên Dự án buộc phải có sự điều chỉnh, kéo theo sự thay đổi về địa điểm quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung.
Cụm công nghiệp “tra tấn” người dân
Được đánh giá là cụm công nghiệp (CCN) sạch khi kêu gọi đầu tư, tại CCN Hưng Lộc, hiện có 11 doanh nghiệp đang hoạt động trên diện tích khoảng 8,8 ha. CCN này nằm sát khu dân cư 2 xóm Hòa Tiến và Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc, tiếp giáp với khu vực hàng trăm hộ dân sinh sống từ ba phía. Đến thời điểm này, 10 doanh nghiệp đã cam kết với UBND TP Vinh về đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện còn 1 doanh nghiệp chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường. Theo phản ánh của người dân nơi đây, tại CCN này, hệ thống thu gom và xử lý rác thải đã xuống cấp, một số doanh nghiệp tập kết gỗ tràn lan trên hành lang đường.
Cũng tại CCN Hưng Lộc, hệ thống mương chứa nước thải và nước mưa chảy tràn đang được dùng chung và hiện đã hư hỏng, xuống cấp. Nước thải công nghiệp của một số doanh nghiệp không được thu gom về hồ sinh học để xử lý, trong khi hồ sinh học này cũng đã xuống cấp và hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân của việc quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp tại đây còn lỏng lẻo là do Ban quản lý ở CCN Hưng Lộc là cán bộ kiêm nhiệm của các phòng ban ở UBND TP Vinh.
Trên địa bàn TP Vinh, CCN Đông Vĩnh cũng là một trong những “điểm nóng” về tình trạng ô nhiễm môi trường. Được thành lập năm 2002, CCN này hiện có 7 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 2 đơn vị là Công ty CP Naconex và Công ty TNHH Xuân Ngọc chế biến gỗ có hoạt động thải khói ra môi trường. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục, đồng thời đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường song đến nay, việc giải quyết vẫn chưa triệt để.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác thẩm định hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đến nay chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thời gian qua, giữa các cấp, ngành với địa phương nơi các doanh nghiệp đóng chân chưa có sự phối hợp thường xuyên. Ngoài ra, mức xử phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa cao. Hệ lụy là người dân sống xung quanh các KCN, CCN phải chịu sự “tra tấn” bởi tiếng ồn, khói bụi và nước xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp trong suốt thời gian dài.