Dù đã xa quê nhiều năm, được thưởng thức nhiều món ăn ngon của mọi vùng miền khác nhau, nhưng không hiểu sao cứ vào những ngày tháng gần cuối năm này lòng tôi lại nôn nao nhớ đến món cọ ỏm dân giã nơi quê nhà xứ Nghệ.
Chẳng biết ở vùng rừng núi huyện Anh Sơn, Nghệ An quê tôi cây cọ có từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi tôi còn nhỏ lẽo đẽo theo chân cha mẹ vào rừng, đã thấy nhiều cây cọ mọc thành từng vạt, có khi xen kẽ giữa những cây gỗ lớn.
Trái cọ rừng vùng quê xứ Nghệ.
Cây cọ có hoa màu trắng, thường ra hoa vào khoảng tháng 6 -7 dương lịch hàng năm, vài tháng sau cọ kết trái. Trái cọ kết thành từng buồng như buồng cau, khi chín vỏ chuyển sang màu đen, cùi thịt màu vàng, to như trứng chim cút… Hằng năm, ở quê tôi, cứ vào khoảng độ cuối tháng 10 đầu tháng 11, là những trái cọ trong rừng đã già, vỏ bắt đầu đen lại. Đến lúc này người dân quê tôi dù bận bịu nhiều công việc cũng dành ra một khoảng thời gian để vào rừng thu hái trái cọ.
Cây cọ đã gắn bó thân thiết với người dân quê tôi từ bao đời nay. Ngoài việc cọ cho thân lá để người dân lợp nhà, làm chổi, còn cho trái làm món ăn rất thơm ngon. Món cọ ỏm xứ Nghệ quê tôi thơm ngon đặc trưng, khi ăn sống thấy có vị chát, nhưng chỉ qua vài ba khâu chế biến đơn giản lại có hương vị thơm bùi hấp dẫn. Ngoài ra cũng phải kể đến các món ăn ngon khác nữa như trái cọ muối chua, cọ ngâm trong vại nhút, trái cọ xào thịt,…
Trái cọ ỏm thơm ngon.
Bên trong trái cọ đã ỏm .
Nhớ ngày trước, mỗi khi có được trái cọ, mẹ tôi thường khéo léo lựa chọn, ưu tiên những trái già, tròn mập, có vỏ màu đen, dày cùi để chế biến thành món cọ ỏm. Theo như mẹ tôi nói, những trái cọ như vậy mới thật sự là trái đã già, hạt sẽ nhỏ, ăn không bị chát, lại có nhiều vị béo, thơm bùi.
Món cọ ỏm xứ Nghệ chế biến rất đơn giản, không mất nhiều công sức, nhưng để có được món cọ ỏm mềm vừa ăn, không bị chát, giữ được mùi vị thơm bùi đặc trưng thì không hề dễ. Theo kinh nghiệm của mẹ tôi, trái cọ trước khi đem ỏm phải rửa sạch, để ráo nước.
Quá trình đun nước để ỏm cọ được mẹ tôi xem là khâu quan trọng nhất. Nước để ỏm cọ mẹ tôi thường dùng là nước giếng khơi. Khi đun, mẹ tôi luôn chú ý không để nước quá nóng, bởi theo mẹ, nếu nước nóng quá thì khi ỏm xong trái cọ sẽ chai cứng lại, nhiều vị chát, không còn giữ được vị thơm bùi vốn có, như vậy coi như món cọ ỏm coi như đã bị hỏng.
Vì vậy mà mỗi lần đun nước ỏm cọ, tôi đều thấy mẹ ngồi bên cạnh bếp để canh chừng nhiệt độ. Kinh nghiệm của mẹ tôi cho thấy, khi nước trong nồi gần sôi (khoảng 600C thì phải tắt bếp, sau đó mới trút trái cọ vào đậy vung kín để ỏm. Thời gian ỏm cọ cũng không được quá lâu, chỉ cần khoảng 20 phút là được. Muốn kiểm tra xem món cọ ỏm đã đạt tiêu chuẩn thơm ngon hay chưa, chỉ cần dùng tay bóp nhẹ vào trái cọ, nếu thấy trái cọ đã mềm, đồng thời ngửi thấy mùi thơm bùi tỏa ra tận ngoài vỏ là món cọ ỏm đã hoàn thành, có thể vớt ra đĩa thưởng thức.
Những ngày mùa đông lạnh giá này mà có được món cọ ỏm xứ Nghệ quê tôi rồi đem chấm nước mắm tỏi ăn cùng với cơm thì không còn gì ngon cho bằng. Ăn một miếng cơm, gắp một trái cọ chấm nước mắm cho vào miệng, lựa bỏ hạt, nhai từ từ ta sẽ thấy ngay vị ngọt béo, thơm bùi lan tỏa nơi đầu lưỡi, bao mỏi mệt của cuộc sống thường ngày dường như tan biến trong giây lát.
Nguồn: Đất Việt