Mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng, ngoài việc thông qua báo cáo chính trị thì việc chọn đúng cán bộ có tiêu chuẩn cả đức lẫn tài để tham gia cấp ủy là việc hệ trọng, vì mọi việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ quyết định.
Trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương:
Chọn cán bộ tham gia cấp ủy đúng thì mới đưa nghị quyết của đại hội vào cuộc sống, ngược lại chọn sai thì không những không biến nghị quyết của đại hội thành hiện thực mà còn gây ra nhiều hậu quả khác.
Bỏ phiếu bầu nhân sự tại đại hội Đảng bộ Hà Nội, tháng 11/2015. Ảnh: Phạm Hải. |
Năm 2015 đại hội Đảng từ cơ sở đến các tỉnh thành phố và các đảng bộ trực thuộc trung ương đã hoàn tất.
Toàn Đảng đang chăm chú theo dõi công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc 12. Đại hội sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh thuận lợi cũng còn không ít khó khăn thử thách.
Nội bộ Đảng cũng đang có vấn đề nổi cộm, nhất là tình hình suy thoái của một số cán bộ đảng viên không nhỏ chưa được ngăn chặn và khắc phục (như nghị quyết 4 của Ban chấp hành khóa 11 khẳng định).
Việc chuẩn bị các văn kiện tuy có khó khăn nhưng không khó khăn bằng công tác chuẩn bị nhân sự, quy trình lựa chọn cán bộ sao cho đúng là người có đủ đức, tài để giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa mới, đặc biệt là chọn cán bộ tham gia cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng. Vì cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là bộ tham mưu quan trọng nhất của Ban chấp hành Trung ương mỗi nhiệm kỳ.
Những cán bộ đó phải có đủ tiêu chuẩn, sự tin cậy về mặt chính trị, bản lĩnh vững vàng, có đạo đức trong sáng, không liên quan đến các vụ án đương điều tra hoặc đã bị khởi tố. Phải là tấm gương về đạo đức và lối sống riêng tư, không bị nhóm lợi ích thao túng, làm việc có hiệu quả, được toàn Đảng và nhân dân tôn vinh, kính trọng.
Bỏ phiếu tại đại hội Đảng bộ TP.HCM. |
Trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ hiện nay, Tổng bí thư, Thủ tướng phải là người có trình độ kinh tế.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa rồi đã đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn, việc đó rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, người dân không có thông tin nên không thể đánh giá đầy đủ về cán bộ, dẫn đến không đủ căn cứ để kết luận nhân sự có đủ tiêu chuẩn hay không.
Cũng không loại trừ việc mua bán để có sự đồng thuận chính trị. Hiện tượng đó không phải chỉ có ở Việt Nam mà cả thế giới.
Vì động cơ cá nhân tham vọng quyền lực, bất chấp các quy chế đã được ban hành, để thực hiện bằng được ý muốn cá nhân bằng mọi giá, do đó cần phải có quy chế chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó, thực hiện thật dân chủ, công khai, minh bạch.
Có ý kiến cho là Trung ương phải nghiêm hơn địa phương, Trung ương không nghiêm thì không thể nghiêm với địa phương được.
Có ý kiến về trường hợp đặc biệt. Bây giờ không nói du di mà sang cụm từ “đặc biệt”, tức những trường hợp quá tuổi theo qui định. Nhưng những trường hợp này phải thật sự tiêu biểu, thật sự cần chưa có ai thay thế, còn không đạt được thì vẫn phải theo tiêu chuẩn qui định.
Cán bộ ra ứng cử phải trả lời trước ban chấp hành đại hội tất cả câu hỏi, kể cả những vấn đề riêng tư của gia đình và cá nhân. Tiểu ban giúp cấp ủy chuẩn bị nhân sự, nhất là nhân sự lãnh đạo cao cấp chiến lược và người đứng đầu (Bộ Chính trị) coi đây là sự sống còn của Đảng, của chế độ và của đất nước.
Toàn Đảng, toàn dân đặt tất cả niềm tin vào sự sáng suốt của Ban chấp hành Trung ương, của đại biểu đại hội. Chọn đúng cán bộ thực sự là con chim đầu đàn được dân yêu dân quý, đó mới là chọn mặt gửi vàng./.