Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, mới thông xe từ ngày 25-9 nhưng nhiều nơi đã sụt lún. Có đoạn phải thảm nhựa lại hàng chục mét.
146 km có 9 vị trí hư hỏng
Tại thị xã Ninh Hòa, đoạn qua đèo Rọ Tượng, đèo Bánh Ít, ngã tư đường lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đang xuất hiện các điểm hư hỏng lớn trên mặt đường. Tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm) xuất hiện 2 vết lún khiến nhựa đường ùn lên. Đoạn qua các xã Cam Tân, Suối Tân cũng xuất hiện nhiều điểm vá lớn.
Đơn vị thi công đang sửa chữa một hố lớn trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: Kỳ Nam
BQL Dự án 7 (đại diện chủ đầu tư phần trái phiếu Chính phủ dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa) cho biết trên đoạn đường 146 km mà đơn vị này quản lý đã xuất hiện 9 vị trí hư hỏng với diện tích khoảng 88 m2, BQL đang chỉ đạo nhà thầu sửa chữa.
Vá nhưng tiếp tục thủng
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên dài 66 km, với tổng kinh phí 4.350 tỉ đồng mới thông xe ngày 13-10 nhưng nhiều chỗ cũng bong tróc, hằn lún. Đoạn qua thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), hàng chục “ổ gà” nối liền nhau. Nhiều chỗ được vá nhưng tiếp tục thủng. “Đoạn đường này nền móng yếu. Cứ nghĩ họ sẽ moi lên để làm móng lại, ai dè cứ thảm nhựa lên mặt đường cũ. Mưa xuống không lún mới lạ” - ông Nguyễn Văn Đạt, một người dân sống ở đây, nói và cho biết thêm cách đây hơn 1 tuần, lúc trời chập choạng tối, một người đàn ông đứng tuổi điều khiển xe gắn máy qua đây bị sụp “ổ gà”, té nhào.
Một điểm có nhiều “ổ gà” trên Quốc lộ 1 tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên Ảnh: Hồng Ánh
Tại đèo Nại (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu), đơn vị thi công thuê nhân công cắt bê-tông nhựa rồi đào phá mặt đường ở 2 hố to (mỗi hố rộng gần 5 m2) do sụt lún, đọng nước, chiếm cả 1 làn đường. Có những đoạn lỗ chỗ “ổ gà” được đơn vị thi công vá lại theo kiểu “trò chơi trẻ con”. Tại Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), 2 công nhân mang xô bê-tông nhựa, ngồi chồm hổm, dùng tay phủi phủi “ổ gà” rồi đổ bê-tông nhựa xuống và dùng thanh cây nhỏ đập đập lên mặt cho phẳng. Thế là xong.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 dài khoảng 100 km đi qua tỉnh Bình Định có kinh phí gần 7.800 tỉ đồng, mới thông xe ngày 14-10 nhưng cũng nhiều điểm bong tróc. Đoạn này do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 thi công. “Không hiểu nhà thầu làm đường kiểu gì mà vừa mưa vài ngày đã hỏng như vậy. Nhiều người chạy xe qua thường bị té ngã” - ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ thôn Hòa Dõng, bức xúc.
Tại các xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), cũng có rất nhiều điểm hư hỏng như vậy.
Lỗi do mưa?
Đây là câu trả lời chung nhất của các chủ đầu tư về nguyên nhân hư hỏng trên Quốc lộ 1. “Giai đoạn ấy, nó bị mưa nên vậy. Chúng tôi sẽ cho sửa chữa ngay” - ông Vũ Ngọc Dương, Phó Giám đốc BQL Dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên), nói.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc BQL Dự án 7, cũng cho rằng nguyên nhân Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa bị hư là do thời gian qua, mưa lớn, nước ngập gây bong tróc, nhiều chỗ có mạch nước chạy ngang qua đường. Đây cũng là câu trả lời ban đầu của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành BQL Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định). Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, lượng mưa năm nay ít hơn so với các năm trước.
Chỉ khi phóng viên chất vấn thêm thì đại diện các chủ đầu tư mới thừa nhận còn một số nguyên nhân khác nhưng là khách quan. Ông Khánh cho rằng đá trộn bê -tông nhựa nóng được lấy tại tỉnh Khánh Hòa có độ kết dính kém. Đơn vị thi công phải dùng thêm phụ gia. Khi thi công không thể đều 100% nên chỗ nào phụ gia không khuấy đều sẽ hư. Chủ đầu tư cùng với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) thí nghiệm 42 mẫu bê-tông nhựa nóng rồi rải thử nghiệm ở nhiều đoạn nhưng những điểm thử nghiệm lại bị hư mặt đường. “Hư hỏng thì trách nhiệm trước tiên là của nhà thầu, của tư vấn giám sát và của BQL dự án. Tôi cũng xác định một dự án BOT hỏng thì ngừng thu phí còn dự án ngân sách hỏng thì nhà thầu, tư vấn giám sát, BQL dự án phải bỏ tiền ra mà làm” - ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết khi thi công đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, đơn vị thi công dùng bê-tông nhựa loại hạt to nhằm tránh bị lún nhưng loại hạt to độ rỗng cao nên mưa xuống thì thấm nước nhanh, dễ bong tróc.
Còn ông Nguyễn Việt Dũng thì cho rằng nguyên nhân do đá trộn bê - tông nhựa có độ bám dính kém. “Chúng tôi phải trộn thêm phụ gia để tăng độ kết dính. Tuy nhiên, do mưa to kéo dài, xe tải trọng lớn liên tục chạy qua nên mặt đường bị bong tróc” - ông Dũng nói.
Kinh phí ngàn tỉ
- Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài 146 km; tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
- Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên dài 66 km; tổng mức đầu tư 4.350 tỉ đồng.
- Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 100 km; tổng mức đầu tư 7.800 tỉ đồng.
Nhà thầu sẽ “sống dở chết dở”
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho biết theo quy định của Chính phủ, Quốc lộ 1 bảo hành 4 năm nên nếu bị hư thì các nhà thầu sẽ “sống dở chết dở”. Tất nhiên, họ phải xử lý ngay, nếu không thì những chỗ hư ấy sẽ phá lớn ra.
Ông Trí cũng cho biết theo quy trình, đơn vị thi công phải băm mặt đường cũ rồi mới thảm bê-tông nhựa nóng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, một số điểm đơn vị thi công chỉ thảm bê-tông nhựa nóng lên thẳng mặt đường cũ. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, thừa nhận: “Nếu đo để kiểm tra cũng đo đại diện chứ đâu đo hết được!”.
Nguồn: Báo người lao động