Do không kiểm soát được hết các điểm giết mổ và buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ nên hiện nay, việc cung ứng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, từ các chợ trên địa bàn tỉnh đã và đang nảy sinh nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch, nhất là thời điểm này, khả năng xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn.
Tại chợ Đước, xã Hưng Chính, tuy không phải là phiên chính, nhưng từ sáng sớm, gia cầm được vận chuyển từ các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn tập kết tại đây và vận chuyển tới các chợ chính, chợ lẻ trên địa bàn thành phố Vinh. Số gia cầm còn lại được các hộ kinh doanh giết mổ và bán ngay tại chợ.
|
Điểm kinh doanh cũng là điểm giết mổ gia cầm tại chợ Vinh |
Tại chợ Vinh, gần như tất cả các điểm giết mổ này lại không đảm bảo vệ sinh và không đủ điều kiện giết mổ. Bởi khu giết mổ gia cầm này tuy được quy hoạch nhưng không có nguồn nước sạch, không có chỗ xả nước thải, rác thải nên nội tạng, lông gia cầm được thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ xay ra các loại dịch bệnh. Đó là chưa nói , những hộ kinh doanh này trực tiếp giết mổ gia cầm không sử dụng một loại dụng cụ bảo hộ lao động nào.
Ông Ngô Trí Bình - Cán bộ kiểm dịch Trạm Thú y TP Vinh thừa nhận: Các chợ trên địa bàn thành phố, việc giết mổ gia súc cơ bản đã kiểm soát được, còn giết mổ gia cầm chưa thể quản lý nổi. Trạm đang tham mưu chu ủy ban thành phố chọn địa điểm đầu tư xây dựng một số lò giết mổ gia cầm…
|
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh ngay tại các điểm giết mổ gia cầm ở chợ |
Không chỉ trên địa bàn thành phố Vinh mà hoạt động giết mổ gia cầm ở hầu hết các chợ va các địa phương đều hoạt động theo kiểu tự phát, không thực hiện đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; đa phần các hộ đều tự mua gia cầm về bán rồi kiêm luôn việc giết mổ theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Trần Quốc Cường - Trạm trưởng Trạm Thú y Nghi Lộc cũng thừa nhận: Trên địa bàn Nghi Lộc, công tác quản lý giết mổ gia cầm còn nhiều bất cập, đa phần người dân mua gà, vịt sống ngoài chợ về nhà làm thịt. Chúng tôi đã tham mưu cho huyện chọn địa điểm tại thị trấn Quán Hành để xây dựng lò giết mổ gia cầm quy mô vừa phải.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng chỉ có trên 30 cơ sở giết mổ tập trung, còn hầu hết các cơ sở, điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ không được kiểm soát. Và do đặc thù hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ động, nên việc phát hiện, xử phạt gặp không khó khăn - Ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục phó Chi cục Thú y nói.
Để có thể kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nhất là các cớ sở ở các chợ thì ngoài việc cơ quan chức năng tiếp tục siết chặt kiểm tra xử lí, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả hộ kinh doanh và người dân về an toàn VS thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, các cấp chính quyền địa phương và ban, ngành chức năng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra của sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.