Ngày 21-10, người dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi được mệnh danh là “vương quốc hành tím”- vẫn tất bật xuống giống vụ hành mới.
Bế tắc trong cảnh mù lòa
Theo kết quả nghiên cứu, điều tra của Viện Y tế công cộng TP HCM, tỉ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển. Đặc biệt, tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỉ lệ chung của Vĩnh Châu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khảo sát tại các hộ dân canh tác hành tím ở Sóc Trăng bị tổn thương về mắt Ảnh: Nguyễn Huỳnh
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết ý thức bảo vệ mắt của người làm hành chưa được cao. Ngành y tế của thị xã đã hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân và các cơ sở thu mua hành tím phải cho người lao động đeo kiếng bảo vệ mắt đúng như những tấm bảng cảnh báo cắm khắp nơi trong thị xã nhưng họ chưa thực hiện tới nơi tới chốn. Thậm chí, trẻ em theo cha mẹ đến các cơ sở sản xuất hành không được trang bị bất kỳ dụng cụ nào để bảo vệ mắt.
Trong khi đó, ông Trần Hải, Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Vĩnh Châu, cho biết đa số người mù ở đây đều thuộc hộ nghèo, trong đó đồng bào dân tộc chiếm đến 80%. Những người mù còn sức khỏe thì tìm kế sinh nhai bằng cách học làm nhang tại chùa hoặc rong ruổi khắp các nẻo đường để bán vé số.
Bồng đứa con 8 tuổi bị bại liệt đến chờ nhận quà tại tịnh xá Ngọc Châu Như, thỉnh thoảng bà Thạch Thị Hậu (36 tuổi) lại đưa một chân ra phía trước để dò đường vì đôi mắt đã mù lòa. “Nhà nghèo quá nên 3 năm trước, vợ chồng tôi đi làm hành thuê được khoảng 100.000 đồng/ngày. Vài tháng sau, bắt đầu chảy nước mắt liên tục, sau đó mờ dần. Lên TP HCM chữa trị muộn nên không khỏi, tôi quay về làm hành tiếp và bỏ mặc thử xem sao. Ai ngờ nó mù hẳn. Giờ chồng tôi cũng bị mù một mắt nhưng không biết chữa trị ở đâu” - bà Hậu nói.
Bà Kim Thị Thờ Mít (55 tuổi) cũng lọ mọ chống gậy đến tịnh xá để mong nhận được bao gạo nhỏ mang về nấu buổi cơm chiều. Bà bảo rằng cũng vì tiếp xúc với hành tím lâu ngày nên mắt trái của bà bị mù cách nay 6 năm. Ban đầu, bà cảm thấy mắt bị nóng rát, sau đó chảy nước rồi mờ dần. “Chồng chết sớm, nhà không ruộng vườn nên tôi không thể lấy đâu ra chi phí để đi điều trị đôi mắt. Cầu trời, con mắt phải của tôi đừng mù!” - bà Mít nói.
Điều trị sớm các trường hợp tổn thương mắt
Sau khi đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trực tiếp đi khảo sát tại Sóc Trăng hôm 20-10, Bộ Y tế ngày 21-10 đã khẳng định bệnh mù mắt, viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn cắt hành, làm đất trồng hành.
Theo đó, các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết qua khảo sát nhiều hộ có người mù và thăm khám trực tiếp đã ghi nhận hầu hết những người làm hành khi bóc hành bị tinh dầu hoặc bụi và các vật bắn vào mắt nhưng lại dùng tay bẩn để lau chùi, gây nhiễm khuẩn. Sau đó, người dân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa chất corticoid hoặc đắp lá thuốc đông y khiến mắt bị sẹo hoặc teo nhãn cầu vĩnh viễn, từ đó dẫn đến mù lòa, mất thị lực.
Từ kết quả nghiên cứu của đoàn chuyên gia trong 4 tháng qua và qua thị sát thực tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc và bị mù tại thị xã Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được. Lãnh đạo Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt TP HCM hỗ trợ thị xã Vĩnh Châu trong việc điều trị và dự phòng các trường hợp bị tổn thương mắt.
Bộ Y tế kiến nghị cơ quan chức năng địa phương yêu cầu các cơ sở sản xuất phải bảo đảm thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; khám sàng lọc định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và người dân thực hiện các biện pháp dự phòng như: sử dụng kính, khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành; hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hằng ngày; tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian.
Bộ Y tế khẳng định không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa; giữa các yếu tố môi trường (đất, nước) với việc viêm loét giác mạc và gây mù tại thị xã Vĩnh Châu.
Nguồn: Báo Người lao động