Ảnh minh họa |
Về tuyên truyền, phổ biến Luật nghĩa vụ quân sự, năm 2016 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị làm công tác phổ biến pháp luật của Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, báo chí, phát thanh, truyền hình phổ biến Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức phổ biến pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho hội viên; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự; phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến cho nhân dân; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Xây dựng 4 Nghị định, 8 Thông tư
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng 4 Nghị định và trình Chính phủ vào tháng 11/2015 gồm:
1- Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khoẻ (theo quy định tại Khoản 1 Điều 20; Khoản 3 Điều 49 và Khoản 4 Điều 53 Luật Nghĩa vụ quân sự).
2- Nghị định quy định ngành, nghề đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phù hợp với yêu cầu Quân đội; công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai (theo quy định tại Khoản 2 Điều 27; Khoản 2 Điều 7; Khoản 4 Điều 17 và Khoản 4 Điều 53 Luật Nghĩa vụ quân sự).
3- Nghị định quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 và Khoản 4 Điều 53 Luật Nghĩa vụ quân sự).
4- Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ; chế độ chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị và thân nhân của quân nhân dự bị (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50; Khoản 4 Điều 50 và Khoản 4 Điều 53 Luật Nghĩa vụ quân sự).
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng 6 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi bộ chủ trì xây dựng 1 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật nghĩa vụ quân sự gồm 9 chương, 62 điều, có hiệu lực từ 1/1/2016. Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. |
(Theo VGP)