Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), việc đồng Rúp của Nga sụt giá có thể sẽ tác động trực tiếp lẫn gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam.
>> Nga lại gom ngoại tệ để “chống lưng” cho đồng rúp
>> Doanh nhân Nga tự tử vì "khủng hoảng đồng rúp"
>> Đồng Rúp mất giá, dân đổ xô mua hàng hiệu
Theo số liệu vừa được đưa ra tại một báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), trong vòng 1 năm qua, đồng Rúp (RUB) của Nga đã sụt giảm mạnh. Bằng chứng, trong nửa đầu năm, đồng Rúp hồi phục đôi chút nhưng trong vòng 3 tháng tiếp theo lại sụt giảm mạnh mẽ. Tỷ giá hiện tại là 70,8 Rúp/USD, vượt qua đỉnh đạt được vào cuối tháng 1 năm nay.
So với đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá 19,68% so với USD. Tính từ ngày 18/5/2015, đồng Rúp đã tụt giá 40,9%. Trong khi đó, so với đầu năm, các đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Yên đã giảm giá 7,2% và 0,4% tương ứng.
|
So với đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá 19,68% so với USD. Ảnh minh họa
|
Đánh giá về tác động của đồng Rúp lên kinh tế Việt Nam, VPBS cho rằng, Nga chiếm 0,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,38% kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu năm 2015.
Ngày 29/5 năm nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEC), một thị trường với 175 triệu dân và GDP đạt trên 2.500 tỷ USD. Trong thương mại song phương, Việt Nam có thặng dư với EAEC. Đa số các mặt hàng được giao dịch mang tính chất bổ sung cho nhau, không cạnh tranh. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm xăng dầu và sắt thép trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm sản phẩm nông nghiệp (thủy sản, cà phê) và các sản phẩm công nghiệp chế biến (dệt may, hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ).
Theo Hiệp định, Việt Nam và EAEC sẽ mở cửa thị trường, cắt giảm 90% dòng thuế, liên quan đến khoảng 90% kim ngạch thương mại song phương. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải...
Cũng theo VPBS, tính đến ngày 21/8, VND đã giảm giá 5,17% so với USD kể từ đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm giá nội tệ của các đối tác thương mại khác trong EAEC.
Chính vì vậy, VPBS lo ngại, suy thoái tại Nga, hay bất kỳ quốc gia nào trong EAEC sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Việt Nam qua 3 con đường. Theo đó, điều đầu tiên là , sự suy giảm trong thu nhập của người dân sẽ làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng hóa Việt Nam.
Thứ hai, sự mất giá với mức độ lớn hơn của các đồng tiền tại các nước này sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam suy giảm. Quan trọng hơn, sự mất giá của các loại tiền tệ sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa. Kết quả là cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Việt Nam không thể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ.
Cuối cùng, cộng đồng người Việt tại Nga có thể gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, việc chuyển tiền ròng về Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực.
Yến Nhi-VN Media